Kinh tế

Đến với vùng chè, thảo quả Thượng Sơn

19/06/2017 00:00 98 lượt xem

o có vị trí địa lý hết sức đặc biệt, nằm trên dải Tây Côn Lĩnh, tại điểm tiếp giáp giữa 3 huyện trong tỉnh là Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, xã Thượng Sơn được coi như một “Tam giác vàng” (chỉ mang ý nghĩa về địa lý) kết nối giữa 3 huyện với nhau. Để đến với Thượng Sơn, một xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía Tây Nam của huyện Vị Xuyên, từ km 29 (Hà Giang – Tuyên Quang) rẽ phải, đi qua địa bàn xã Việt Lâm, vượt dốc Quảng Ngần lên Cổng trời, rồi xuôi đèo khoảng 7 km nữa là đến trung tâm xã. Đây là mảnh đất của chè Shan tuyết, của cây thảo quả và là quê hương của 1.157 hộ bà con nhân dân thuộc 8 dân tộc, chung sống chan hòa, cùng nhau vượt khó, xóa nghèo.

     Xã có phía Bắc giáp xã Cao Bồ của huyện Vị Xuyên và xã Túng Sán của huyện Hoàng Su Phì; phía Tây giáp xã Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng của Hoàng Su Phì; phía Nam giáp xã Tân Thành của huyện Bắc Quang và phía Đông giáp xã Quảng Ngần. Với tổng diện tích tự nhiên là 14.259,78 ha, Thượng Sơn có 1.487,8 ha đất sản xuất nông nghiệp, 10.151,09 ha đất lâm nghiệp được phân bố ở 12 thôn bản. Trong sản xuất nông nghiệp, tính đến thời điểm hiện nay, thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 28,7 triệu đồng/ha, chủ yếu thu nhập ở một số cây trồng như: Cây lúa đã gieo cấy 58/60 ha, đạt 97% so với kế hoạch; ngô 118/118 ha, đạt 100% kế hoạch; lạc 53/53 ha, đạt 100%; đậu tương 83/83 ha, đạt 100% kế hoạch. Là một trong những vùng đất được coi là quê hương của cây chè Shan tuyết, xã đã xây dựng và bảo vệ được thương hiệu chè Thượng Sơn. Ngoài việc duy trì và chăm sóc tốt diện tích chè hiện có là 1.169 ha, xã cũng chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung sản xuất theo hướng chè hữu cơ, đảm bảo giữ vững thương hiệu chè Shan Tuyết Thượng Sơn; chuẩn bị giống trồng dặm những diện tích bị mất khoảnh. Đối với cây thảo quả, toàn xã có 1.099,4 ha, qua đợt rét năm ngoái, hiện nay diện tích bị thiệt hại đang khôi phục dần và được bà con nhân dân trồng mới, chăm sóc tốt. Trong chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay là 33.7945 con, đảm bảo cung cấp nhu cầu sử dụng tại xã và tiêu thụ ra thị trường bên ngoài. Hiện nay xã có 2 doanh nghiệp, 2 HTX và 96 hộ cá thể sản xuất chế biến chè, thảo quả, kinh doanh hàng tạp hóa, làm nghề rèn đúc lưỡi cày... đã giải quyết được việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động ở địa phương. Chợ phiên Thượng Sơn được tổ chức vào ngày thứ Sáu hàng tuần, là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp của bà con nhân dân giữa các xã, các huyện giáp ranh. Bên cạnh việc phát triển nông, lâm nghiệp; dịch vụ thương mại, xã cũng phấn đấu thực hiện tốt các nội dung về lĩnh vực văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, nhân dân trong xã đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong việc tự giác góp công, vật lực để mở mới, sửa chữa, duy tu các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên gia. Trong quý I năm 2017, UBND xã đã chỉ đạo, huy động nhân dân thôn Hạ Sơn tự mở mới 800m loại đường 2,5m với 200 ngày công. Huy động nhân dân thôn Vằng Luông tu sửa đường ngõ xóm, hộ gia đình với 100 ngày công. Nhân dân thôn Khuổi Xỏm tự đóng góp mở mới 1,6km, rộng 3m với tổng số tiền 22 triệu đồng. Hoàn thành sửa chữa tuyến đường liên xã từ Cổng trời về tới UBND xã. Hoàn thành làm kè hai bên suối tại chợ trung tâm xã. Tiếp tục thi công tuyến đường bê tông liên thôn thôn Bản Khóec với tổng chiều dài 5km, hiện tại đã hoàn thành được 600m...

    Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng bộ xã Thượng Sơn có 19 chi bộ với tổng số 234 đảng viên (Trong đó có 221 đảng viên chính thức, 13 đảng viên dự bị) là lực lượng luôn luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi lĩnh vực. Các chi bộ luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng để tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện theo. Đảng ủy xã luôn chú trọng, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ khả năng lãnh, chỉ đạo, điều hành, tập hợp, đoàn kết quần chúng nhân dân; quốc phòng - an ninh được giữ vững; chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; huy động nguồn lực địa phương, tranh thủ sợ hỗ trợ của Nhà nước để khai thác phát huy thế mạnh, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế. Làm tốt công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giải quyết tốt chính sách xã hội. Tập trung thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới...

   Rời khỏi Thượng Sơn, điều còn áy náy mãi trong chúng tôi là chỉ có 224/1.157 hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia, còn lại hầu hết đều sử dụng điện nước do các hộ tự đầu tư; vẫn còn 1 thôn chưa có đường đến trụ sở; tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao... mặc dù Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã cố gắng, nỗ lực để đổi mới, phát triển. Cán bộ và nhân dân trong xã đều rất mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nói chung, Thượng Sơn nói riêng, đặc biệt là sớm có biện pháp giúp người dân ở 10/12 thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập