Đẩy mạnh học tập và Làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

11/06/2021 01:47 150 lượt xem

Cách đây 73 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hơn bảy thập kỷ qua, theo tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, góp phần giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng, để lại những dấu ấn sâu đậm, góp phần tô thắm truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc đăng trên Báo Cứu quốc, chi nhánh số 6, số 968, ngày 24 tháng 6 năm1948 chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc ở nước ta. Phong trào do Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động, tổ chức thực hiện đã gắn liền với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam và lịch sử dân tộc.

Trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích, ý nghĩa của thi đua ái quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nói yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Với cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, ngôn ngữ giản dị… mở đầu Lời kêu gọi, Hồ Chủ tịch viết: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Đây cũng chính là nội dung Sắc lệnh số 01 Hồ Chủ tịch ký năm 1946 với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chỉ trong 12 từ, Hồ Chủ tịch đã nêu lên nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân cũng như mục đích của phong trào đó là diệt giặc đói trước, diệt giặc dốt và sau đó là diệt giặc ngoại xâm.

Về lực lượng tham gia phong trào, Người đã nói: “Bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau” Người viết: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. 

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các tầng lớp nhân dân, dù ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải tham gia vào cuộc thi đua yêu nước. Người cho rằng đã là người Việt Nam yêu nước thì phải thi đua, “thi đua tức là yêu nước”. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hàng ngày, mà còn là biểu hiện của lòng yêu nước, là tình cảm của mỗi con người Việt Nam đối với Tổ quốc, quê hương; lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước được thể hiện bằng hành động thực tế trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và ngược lại lấy lòng yêu nước để nâng cao hiệu quả thi đua.

             Về phương pháp, cách thức thi đua, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân”, “làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”, làm cho phong trào thi đua ái quốc “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân”. Người khẳng định kết quả của thi đua ái quốc sẽ là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua không chỉ nhằm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng những nhân tố tiên tiến, loại trừ phần tử lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của sản xuất, của tiến bộ xã hội. Qua phong trào thi đua, quần chúng nhân dân hăng hái đi vào cuộc sống thực tiễn, tôi luyện và trưởng thành, để cho “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”. Nhờ có phong trào thi đua mà nhân dân ta không những nâng cao năng suất, mà còn gạt bỏ dần những thói hư, tật xấu của chế độ cũ; phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, đời sống mới.

Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước rất sôi nổi và hiệu quả. Trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương; trên khắp các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự…; ở khắp các giới, các ngành, các cấp..., đâu đâu cũng sôi nổi phong trào thi đua yêu nước: phong trào thi đua: “Xây dựng chi bộ bốn tốt” trong Đảng; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Cờ ba nhất” trong các lực lượng vũ trang; “Ba sẵn sàng” với thanh niên; “Ba đảm đang” với phụ nữ; “Làm nghìn việc tốt” trong thiếu nhi; “Trống Bắc Lý” trong giáo dục... Đúng như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: "Người người thi đua, ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Thực tiễn thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã minh chứng hùng hồn cho nhận định này của Người. Đó cũng là nguồn sức mạnh vô tận, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.

Cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những thuận lợi, đất nước đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong mỗi  người Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam....” Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng cần được nhận thức đầy đủ, nhân rộng và thực hiện một cách hiệu quả hơn. Ngày 4/3/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”. Đây là dịp để nhân dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế nhằm đạt những mục tiêu mà phát triển đất nước mà Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ.

Ra đời cách đây 72 năm nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự sâu sắc, vẹn nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Những chỉ dẫn của Người về mục đích, lực lượng, cách làm trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập