Chính trị

Hội thảo chuyển đổi số và ký kết hợp tác chuyển đổi số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025

24/06/2021 03:09 61 lượt xem

Chiều 23.6, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo trực tuyến với Tập đoàn FPT, tỉnh Quảng Ninh và các huyện, thành phố trong tỉnh với chủ đề: “Chuyển đổi số - nền tảng phát triển KT – XH". Các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo tại điểm cầu tỉnh. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và Thường trực Huyện ủy – HĐND – UBND các huyện, thành phố. Dự tại các điểm cầu ngoài tỉnh có đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh Quảng Ninh. Tại điểm cầu huyện Vị Xuyên, dự Hội thảo có đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; Đồng chí Trần Mạnh Tuyên – Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo một số ban, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, vừa tạo cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Chủ tịch UBND khẳng định những năm qua, Hà Giang đã tập trung lãnh chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và đạt được kết quả nổi bật. Tuy nhiên còn bộc lộ một số hạn chế. Hội thảo là dịp để trao đổi và làm rõ các nội dung: Khẳng định vai trò, tầm quan trọng, cơ hội và thách thức của chuyển đổi số, từ đó, xác định các giải pháp, cơ chế chính sách phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII. Làm rõ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quá trình chuyển đổi số; qua đó, làm rõ những mục tiêu mà chuyển đổi số hướng tới, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng cần phân tích về việc chia sẻ những nội dung cơ bản, kinh nghiệm xây dựng mô hình chính quyền điện tử, triển khai chính quyền số cấp tỉnh, giúp Hà Giang lựa chọn, tìm kiếm đối tác phù hợp để quyết liệt chuyển đổi số; đồng thời xác định những kỹ năng mới và tư duy mới cho lãnh đạo các cấp để có thể thành công trong chuyển đổi số. Thảo luận về những chiến lược, lộ trình nhằm xác định và ưu tiên những nhiệm vụ triển khai trước, đồng thời khoanh vùng, tháo gỡ những nút thắt trong chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Giới thiệu giải pháp chuyển đổi số để hỗ trợ giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩn nông nghiệp, du lịch đặc trưng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo giá trị mới, tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế của tỉnh. Hà Giang sẽ quyết tâm thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện để tạo nền tảng phát triển KT - XH.

Theo báo cáo kết quả chuyển đổi số của tỉnh, hiện mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh (ICT Index) ở mức khá so với các tỉnh/thành phố trên toàn quốc; 80,53% dịch vụ công được thực hiện ở mức độ 4; 100% cơ quan hành chính có trang/cổng thông tin điện tử; 100% văn bản được trao đổi điện tử giữa các cơ quan, 60% văn bản điện tử ứng dụng chữ ký số; 100% UBND cấp huyện, cấp xã có điểm cầu hội nghị trực tuyến; 100% các xã, phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ xã, phường thị trấn có mạng Internet băng thông rộng đạt 98%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%; người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, đang chuyển biến và dần hình thành văn hóa số trên môi trường số…giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, công khai minh bạch, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, tăng mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân khi giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước, nền kinh tế số bước đầu hình thành trong một số lĩnh vực, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin đang phát triển chưa từng có. Trong 5-10 năm tới chuyển đổi có thể đóng góp vào GRDP của tỉnh tương đương 3-5% và trong 10-20 năm tới có thể đóng góp tới 20% GRDP của tỉnh. Thứ trưởng đề nghị Hà Giang tập trung giải quyết một số vấn đề trong chuyển đổi số như chọn điểm đột phá, đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4; chuyển đổi kinh tế số nên đi theo hướng thương mại, dịch vụ, bởi chuyển đổi số du lịch sẽ mang lại trải nghiệm mới cho Hà Giang; xã hội số cần theo hướng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trên điện thoại di động, dạy học trên nền tảng trực tuyến... Đồng thời khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành với các địa phương, cơ quan, tổ chức trên hành trình chuyển đổi số.

Tại hội thảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình và các chuyên gia đã chia sẻ về cách tiếp cận chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của những người đứng đầu trong chuyển đổi số và đội ngũ thanh niên trong khởi nghiệp, sáng tạo, lực lượng nòng cốt, đi đầu trong chuyển đổi số. Đồng thời chia sẻ phương pháp tiếp cận cho chuyển đổi số cấp tỉnh. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng nền hành chính số tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cảm ơn sự quan tâm hợp tác tác của Tập đoàn FPT và các chuyên gia. Đồng thời nhấn mạnh hội thảo lần này sẽ là khởi đầu cho sự chuyển đổi của Hà Giang trong tương lai. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các nội dung ký kết giữa tỉnh và Tập đoàn FPT sẽ được triển khai ngay, ưu tiên những việc làm cần thiết. Đồng chí cũng chia sẻ khái quát về tình hình của tỉnh và cho rằng muốn thành công cần đánh giá đúng thực trạng của Hà Giang, những tiềm năng, lợi thế, rào cản, khó khăn cần khắc phục; tỉnh rất cần các giải pháp tháo gỡ những rào cản về hạ tầng giao thông, quy mô kinh tế, thu nhập người dân, trình độ dân trí. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Tỉnh luôn hướng tới mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân, người dân được hưởng lợi, hưởng thụ nhanh nhất, không ai bị bỏ lại phía sau. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm. Những nội dung hội thảo chuyển đổi số là rất cần thiết và khi triển khai sẽ tác động tích cực đến KT-XH của tỉnh. Đồng chí khẳng định: Đây là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; BTV Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo triển khai ngay những nội dung ký kết hợp tác với FPT, trước mắt là đào tạo con người, phát triển thương mại điện tử để giới thiệu các sản phẩm đặc hữu của Hà Giang, tìm giải pháp quảng bá văn hóa, lễ hội của tỉnh qua mạng xã hội, thu hút du khách. Đồng chí cho rằng muốn thực hiện hiệu quả cần cả hệ thống chính trị chung tay hành động; đồng thời huy động các doanh nghiệp, nhân dân hưởng ửng thực hiện.

Tại hội thảo, đã công bố Quyết định của BTV Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh Hà Giang do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng BCĐ; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm Phó ban Thường trực BCĐ, Trưởng ban Điều hành; các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Phó trưởng BCĐ. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình là chuyên gia cố vấn cho BCĐ.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ký kết với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 theo hình thức ký số trực tuyến, vừa đáp ứng được yêu cầu 5K trong phòng chống dịch, vừa thực hiện đúng tinh thần “4 không” của chuyển đổi số, vừa thể hiện tinh thần quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang ngay từ những việc làm đầu tiên. 

Các nội dung ký kết hợp tác gồm: FPT tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; phối hợp cùng UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động, kế hoạch hành động thực hiện; phối hợp tổ chức nghiên cứu tìm ra những giải pháp thúc đẩy triển khai chuyển đổi số cho tỉnh; tập trung tìm hiểu và hỗ trợ tỉnh phát triển chương trình "mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) về dược phẩm và du lịch, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng bán hàng trực tuyến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình; xây dựng kế hoạch hỗ trợ tỉnh tổ chức các sự kiện chuyển đổi số doanh nghiệp, gian hàng Việt, hội nghị về các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh để kết nối doanh nghiệp với địa phương; tư vấn giúp tỉnh xác định danh mục và triển khai các dự án nhằm cụ thể hóa chương trình hành động, bám sát theo Nghị quyết Chuyển đổi số của tỉnh, phù hợp với năng lực và thế mạnh của FPT, theo sự phân công của UBND tỉnh ./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập