Kinh tế

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT- NHCSXH huyện đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn

14/09/2017 00:00 105 lượt xem

Xoá đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là sự nghiệp của toàn dân. Huy động nguồn lực của Nhà nước, của xã hội và của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nhất là sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp để xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo. Trong đó hoạt động tín dụng chính sách được Chính phủ sử dụng như một phần của công cụ thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ngày 04/10/2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và thành lập Ngân hàng CSXH giúp Chính phủ truyền tải các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội.

   Để phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, ngay từ những ngày đầu tiên khi thành lập NHCSXH các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ngân hàng CSXH trung ương đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai hỗ trợ về mọi mặt từ cơ sở vật chất, con người...để kịp thời đưa kênh tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mặc dù với những khó khăn nhất định về địa bàn huyện, về trình độ nhận thức, về kinh tế đã ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, số hộ nghèo cao, số hộ thoát nghèo hàng năm có nguy cơ tái nghèo lớn. Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Vị Xuyên đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn 15 năm qua, với dư nợ cho vay đến hết ngày 31/8/2017 là 262.816 triệu đồng, với 11 chương trình tín dụng ưu đãi, thông qua 337 Tổ tiết kiệm vay vốn là những cánh tay nối dài để chuyển tải vốn ưu đãi Chính phủ đến với người dân;  với sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác; Ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn, sự quyết tâm, nỗ lực, vượt khó của đội ngũ cán bộ NHCSXH  huyện tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc để đưa nguồn vốn tín dụng đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

   Hoạt động của NHCSXH là hoạt động mang tính đặc thù cao trong lĩnh vực tín dụng chính sách, chủ yếu là việc sử dụng nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội; chính vì vậy ngoài bộ máy tại Trung ương thì từ cấp tỉnh đến cấp huyện có tổ chức Ban đại diện HĐQT-NHCSXH với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chuyên môn tại địa phương và đặc biệt là có sự tham gia của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

   Hàng năm Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, thường xuyên được kiện toàn về cơ cấu tổ chức phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và quy định của Nhà nước. Ban đại diện đã chủ động trong hoạt động, chỉ đạo triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện về tín dụng chính sách được thực hiện qua NHCSXH; trong đó nổi bật là làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH.

   Đối với công tác kiểm tra, giám sát; hàng năm Ban đại diện HĐQT-NHCSXH đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát và phân công nhiệm vụ, phân công địa bàn cụ thể cho từng thành viên. Trên cơ sở đó, các thành viên đã chủ động, linh hoạt trong công tác kiểm tra, giám sát địa bàn xã, thị trấn phụ trách.

  Qua công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT hàng năm, đã ghi nhận hoạt động của NHCSXH triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đảm bảo các chính sách về vốn ưu đãi được triển khai kịp thời; nguồn vốn ưu đãi giải ngân đúng đối tượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn  huyện đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Đồng thời qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện những hạn chế, thiếu sót về hoạt động của NHCSXH, từ đó có giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.

   Bên cạnh những mặt đã làm được, công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện cũng tồn tại một số hạn chế nhất định như: Ban đại diện HĐQT –NHCSXH huyện hoạt động chưa đồng đều. Công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Một số thành viên Ban đại diện HĐQT chưa thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với cơ sở, chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo và nắm bắt tình hình hoạt động đối với địa bàn được phân công. Trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích đối với UBND cấp xã chưa được quy định rõ ràng.

  ​ Để nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT- NHCSXH huyện trong những năm tới, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, cần tập trung thực hiện một số nội dung chính đó là:

   Một là, cần tăng cường và đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về tín dụng chính sách đến cơ sở xã, thị trấn, nhất là tại thôn, bản; coi đây là nhiệm vụ then chốt; trong đó quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và các văn bản triển khai của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện ủy và UBND huyện. Từ đó nâng ý thức của cán bộ cấp cơ sở và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững.

   Hai là, Ban đại diện HĐQT  cần chú trọng xây dựng chương trình, đề cương kiểm tra giám sát theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Trên cơ sở đó, các thành viên Ban đại diện là lãnh đạo các Phòng, ban, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức hội đoàn thể nhận uỷ thác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra sử dụng vốn vay sau giải ngân, của các đơn vị nhận ủy thác, thành viên Ban đại diện HĐQT huyện, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vướng mắc, tiêu cực trong hoạt động (nếu có)

   Ba là, các thành viên Ban đại diện cần sâu sát hơn với cơ sở và cải tiến phương pháp kiểm tra, giám sát; gắn việc kiểm tra tại PGD NHCSXH với giám sát trực tiếp các ngày giao dịch tại xã; từ xã đi thôn, bản để vừa giám sát trực tiếp hộ vay vốn, vừa tuyên truyền trực tiếp đến nhân dân.

  Bốn là, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và phối hợp trong công tác. Trưởng ban đại diện các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tổ chức tập huấn, lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm,...gắn với việc sử dụng vốn tín dụng của NHCSXH để hỗ trợ người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và hạn chế rủi ro.

   Năm là, Tổ chức tập huấn nghiệp vụ đối với các thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND, thị trấn, Ban giảm nghèo, Hội đoàn thể cấp xã, thị trấn và Trưởng thôn, tổ trưởng dân phố. Vì có hiểu biết về nghiệp vụ mới có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

  Sáu là, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là hạt nhân trong hoạt động của NHCSXH, vai trò của tổ trưởng tổ TK&VV rất quan trọng. Do đó, cần phải tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác kiểm tra, công tác tuyên truyền để các Tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, giám sát, tuyên truyền đến với người dân về chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước, nắm bắt việc sử dụng vốn của các thành viên trong tổ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.

   Bảy là, UBND các xã, thị trấn xử lý ngay các vi phạm được phát hiện, sau khi kiểm tra, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.

   Tám là, thông qua công tác kiểm tra đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi nói riêng, nhân dân trên địa bàn nói chung nắm được mục đích, tính ưu việt của tín dụng ưu đãi mà Đảng và Nhà nước giành cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, để từ đó sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

  Với quyết tâm chính trị cao của Ban đại diện HĐQT-NHCSXH huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nỗ lực của từng cán bộ NHCSXH huyện; tin tưởng hoạt động của NHCSXH ngày càng hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo  trên bàn huyện nhà./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập