Văn học - Nghệ thuật

Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng

01/06/2021 07:22 118 lượt xem

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng và luôn quan tâm giáo dục thế hệ măng non của đất nước. Mỗi dịp khai trường, hay Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Bác Hồ thường viết thư gửi các cháu thể hiện những lời chúc, lời dạy, lời khuyên chan chứa tình thương yêu vô hạn.

Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng hàm chứa một tình yêu bao la, đặc biệt của Người dành cho những chủ nhân tương lai của nước nhà. Nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn ghi nhớ 5 điều Bác dạy, lấy đó làm tiêu chuẩn, động lực để học tập, rèn luyện, phấn đấu. Ngày nay, thiếu niên, nhi đồng nước ta đã và đang được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, thiếu nhi một lần nữa ôn lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Ngày 15-5-1961, kỷ niệm 20 năm thành lập đội Thiếu niên tiền phong, Bác gửi lá thư đến thiếu nhi cả nước với 5 lời dạy thiêng liêng:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh,

Thật thà, dũng cảm”.

 

Trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ là loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965 thì 5 điều Bác dạy trên đây lại được in hoàn chỉnh là:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

 

Như vậy, 5 điều Bác Hồ dạy năm 1966 có thêm 2 từ “thật tốt” và “khiêm tốn”. Năm lời dạy đó thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Người đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng, gửi gắm cả trong đó kì vọng vào một thế hệ người Việt Nam đủ đức, đủ tài để làm rạng danh đất nước.

Mở đầu, Bác dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” nhằm giáo dục cho các em về lòng yêu nước, yêu dân tộc, tình yêu thương, đùm bọc, đoàn kết. Thiếu nhi là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước, “sẽ là người chủ của nước nhà” nên Người quan tâm bồi đắp cho các em chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần dân tộc là cơ sở của ý thức trách nhiệm trong mỗi người dân với Tổ quốc. Ngày nay, yêu Tổ quốc nghĩa là ham hiểu biết, tự hào về  lịch sử dân tộc, những truyền thống tốt đẹp của cha ông; hăng hái tham gia giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang đó. Hăng hái học và tìm hiểu  môn Lịch Sử và Địa Lý chính là thiếu niên, nhi đồng hôm nay thể hiện lòng yêu nước của mình.

Bác giải thích: “Yêu đồng bào tức là trong đó có yêu cha mẹ chú bác, cô, dì, ông bà, cô giáo, thầy giáo... Yêu Tổ quốc có nhiều khía cạnh, trong đó có ý là phải ghét đế quốc và ghét ai chống lại Tổ quốc, nhân dân ta”. Và "Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé... giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác... giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ". Học và làm theo lời Bác dạy, thiếu niên, nhi đồng thể hiện lòng yêu đồng bào trong cuộc sống hằng ngày là cách giao tiếp, cách cư xử với mọi người xung quanh, với gia đình, với bạn bè, thầy cô; sự tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong học tập. Kính trên nhường dưới. Yêu thương, tôn trọng ông bà, bố mẹ, người lớn tuổi; tôn trọng thầy cô giáo; thân ái, giúp đỡ bạn bè và những người xung quanh.

Điều thứ hai: “Học tập tốt, lao động tốt”. Ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, Bác mong muốn các em Học tập tốt, lao động tốt” bởi học tập, lao động sẽ giúp các em có đủ trí tuệ và sức khỏe, trở thành công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Người từng khẳng định trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945 rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Học tập tốt nghĩa là có ý thức và tinh thần học tập, chăm chỉ học tập, ham tìm hiểu. Chuẩn bị bài học đầy đủ, chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập chu đáo. Đi học chuyên cần, chú ý lắng nghe thấy cô giảng, tích cực phát biểu, ghi chép bài đầy đủ. Rèn luyện thói quen đọc sách. Ngoài ra, học từ bạn bè, học từ cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó còn phải có ý thức và biết “lao động tốt” với tinh thần” Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - Tùy theo sức của mình”. Phải yêu lao động, quý trọng các thành quả và giá trị của lao động mà bản thân hoặc người khác mang lại. Biết thực hiện lao động vừa sức, tích cực tham gia lao động cùng tập thể. Cụ thể như việc trực nhật trường lớp; chăm sóc tốt bồn hoa, cây cảnh trong nhà trường. Ở nhà, biết giúp đỡ cha mẹ những công việc nhỏ tuỳ theo sức của mình. Lao động giúp nâng cao sức khỏe, sự kiên trì, nhẫn nại và hình thành thói quen tốt. Theo Người lao động là vẻ vang, là vinh quang, góp phần xây dựng nước nhà.

Điều thứ ba: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Đoàn kết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, Người quan tâm giáo dục thiếu niên, nhi đồng truyền thống đó để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Đoàn kết tốt theo lời Bác dạy được thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè, trong lớp, trong trường; anh, chị, em trong gia đình; mọi người ngoài xã hội, là phải biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, cùng bạn cố gắng khắc phục khó khăn, cùng nhau tiến bộ trong học tập, xây dựng tập thể lớp đoàn kết, tiến bộ, xây dựng Đội vững mạnh.

Kỷ luật tốt là chấp hành tốt nội quy, quy định của trường, lớp, ứng xử văn minh nơi cộng cộng. Không gây gổ, gây mất đoàn kết, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.

Điều thứ tư: Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Đó là một nội dung trong xây dựng lối sống mới, thiếu nhi cũng phải góp phần. Giữ vệ sinh ở trường, ở nhà, nơi công cộng cũng như giữ gìn vệ sinh cá nhân của mình. Phải biết giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ; ăn mặc, đầu tóc gọn gàng… Ở trường, vứt rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi. Ở nhà, biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, giữ gìn vệ sinh nhà và xung quanh nơi ở. Ở nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh chung...

Điều thứ năm: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Đây đều là những đức tính tốt mà thiếu niên, nhi đồng cần rèn luyện. Năm 1964, sau khi Bác nghe Bà Lê Thu Trà báo cáo về tình hình thiếu nhi, Bác nói: “Thời gian qua các cháu làm được nhiều việc tốt, nhiều cháu được Bác khen thưởng huy hiệu của Bác. Động viên khen thưởng các cháu là việc nên làm, cần phải làm. Nhưng được khen nhiều các cháu cũng dễ sinh tự kiêu, tự mãn, vì vậy, Bác muốn thêm hai chữ “khiêm tốn” vào điều 5, thành: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Học và làm theo lời Bác dạy khiêm tốn là không tự kiêu tự đại, biết lễ phép với ông bà, thầy cô và cha mẹ. Biết tôn trọng người lớn tuổi, hòa nhã với bạn bè, có tinh thần cầu tiến bộ để không ngừng vươn lên trong học tập và rèn luyện… Thật thà là phải biết trung thực, không gian dối trong cuộc sống, trong học tập với mọi người, với ông bà, cha mẹ ,với thầy cô, bạn bè. Dũng cảm là biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình, chân thành nhận lỗi và sửa lỗi, không bao che cái ác, cái xấu; biết bảo vệ cái đúng, cái chính nghĩa.

Những lời dạy trên của Bác với thiếu niên, nhi đồng thể hiện quan điểm giáo dục của Người hết sức toàn diện và sâu sắc từ trí dục, đức dục, mỹ dục... để mai sau thế hệ này trở thành công dân có tài, có đức góp phần xây dựng nước nhà.  Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để mỗi em ghi nhớ, học tập và noi theo.

Chúng ta đang đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cần làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; thực hiện tốt kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các cháu vươn lên tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng là những “Cháu ngoan Bác Hồ”, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, xứng đáng với sự mong đợi của Người.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập