Kinh tế

Thu nhập khá từ nghề nuôi ong lấy mật

01/04/2020 00:00 40 lượt xem

Nghề nuôi ong lấy mật ở Vị Xuyên đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân. Vài năm trở lại đây, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại chịu ít rủi ro, nên nhiều gia đình đã đầu tư, mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất đồi rừng, tăng thêm số lượng đàn, biến nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện đời sống.

     Từ chỗ nuôi nhỏ lẻ 1 đến 2 tổ nay có hộ đã lên đến vài trăm tổ, nhiều gia đình giàu lên nhờ biết đầu tư vào nuôi ong một cách có khoa học và chọn nghề nuôi ong làm hướng đi để xoá đói giảm nghèo, trong số đó có gia đình chị Giang Thị Kiều Như thôn Trung Sơn, xã Trung Thành. Thời gian đầu, nhà chị chỉ nuôi 1-2 đàn với mục đích để gia đình dùng là chính. Vừa nuôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, đến nay, sau 4 năm gắn bó với nghề, giờ đây chị đã phát triển lên 130 đàn ong trên diện tích đất của gia đình. Chị Giang Thị Kiều Như thôn Trung Sơn, xã Trung Thành cho biết: “Với vốn đầu tư nuôi ong ít, mỗi đàn ong nuôi từ 4 – 6 cầu ong để làm mật. Đến mùa rộ mật thu hoạch, trung bình mỗi tổ ong quay được khoảng hơn 6 lít mật, cứ nửa tháng thu hoạch một lần đều đặn từ tháng 2 đến tháng 7. Bình quân mỗi vụ thu được gần 800 lít mật, giá bán tại nhà  hiện nay từ 200 - 220 nghìn đồng/1 lít. Mùa này mật chủ yếu lấy từ hoa, hoàn toàn là mật nguyên chất, hàm lượng nước trong mật thấp, được nhiều khách hàng tin dùng. Như vậy mỗi vụ trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu nhập từ  120 -150 triệu đồng”.

      Hiện tại, toàn xã Trung Thành có khoảng 15 hộ nuôi ong với số đàn lên đến 850 đàn, bình quân cho khoảng 5.100 lít với lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/ năm. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong ngoài lợi ích về kinh tế, đan xen kết hợp diện tích trồng rừng, còn tạo việc làm lúc nông nhàn nên nhiều hộ gia đình tích cực học hỏi và triển khai mô hình này. “Nghề nuôi ong lấy mật - vốn đầu tư ít, nhưng mang lại hiệu quả cao, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho người lao động lúc nông nhàn. Nhờ nuôi ong lấy mật đưa kinh tế  các hộ gia đình  nuôi ong phát triển, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập của xã. Với những hiệu quả mô hình mang lại, thời gian tới địa phương tiếp tục khuyến khích người dân trên địa bàn xã mở rộng mô hình này”.  Ông Khổng Văn Tuấn - Phó Chủ tịch xã Trung Thành chia sẻ.

      Có thể nói, nghề nuôi ong lấy mật đang mở ra hướng thoát nghèo cho người dân huyện Vị Xuyên, nhất là hộ nghèo ít vốn, ít đất sản xuất. Tuy nhiên, để nghề này phát triển bền vững, trước mắt, huyện cần xem xét, tạo điều kiện giúp các hộ nuôi ong có phương thức quảng bá mật ong rộng rãi, tạo dựng thương hiệu cho mật ong Vị Xuyên, góp phần tận dụng tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập