Kinh tế

Vị Xuyên phát triển trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao

25/06/2020 00:00 58 lượt xem

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, giúp nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích, đem lại nguồn thu nhập đáng kể và cải thiện đời sống.

 Theo thống kê, trên địa bàn huyện có hơn 1.000ha cây ăn quả, với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú như: Cam, Bưởi da xanh, Quýt, Xoài, Chuối, Na, Dưa hấu, Dưa lưới, Thanh long ruột đỏ, Dâu tây,...Phân bố nhiều tại các xã, thị trấn vùng thấp của huyện như: Phong Quang, Đạo Đức, Trung Thành, xã Việt Lâm, hai thị trấn Vị Xuyên và Việt Lâm. Trong đó, có nhiều loại quả đã tạo được chỗ đứng tương đối ổn định trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và ưa chuộng như: Cam với hơn 235 ha đang cho sản phẩm, trung bình hàng năm năng suất đạt 80 tạ/ha, sản lượng gần 1.900 tấn. Thị trường tiêu thụ rộng khắp trong ngoài tỉnh với giá bán giao động từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, doanh thu niên vụ 2019 – 2020 ước đạt 20 tỷ đồng. Dưa hấu với hơn 64ha toàn huyện, năng suất từ 15 - 18 tấn/ha/vụ. Giá bán trung bình 7000 – 8000 đồng/kg tại ruộng, bán lẻ 10-15 nghìn đồng/kg. Doanh thu ước đạt 90 – 100 triệu đồng/ha/vụ. Trồng dưa các loại( dưa lưới, kim cô nương, dưa chuột bao tử), dâu tây trong nhà lưới, bình quân thu nhập đạt trên 700 - 900 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng một số loại quả 6 tháng đầu năm 2020 cho thu hoạch ước đạt xoài 98,6 tấn, chuối 953tấn, na ước đạt 143tấn....

 Mô hình trồng dưa trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao HTX rau an toàn Tân Đức, xã Đạo Đức

   Cùng với những lợi thế, thuận lợi thì vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức bởi các mô hình vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, chưa tạo thành vùng chuyên canh, ra sản lượng lớn ổn định để có thể cạnh tranh hay xuất khẩu. Hy vọng rằng chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có những chính sách, cơ chế phù hợp, phát triển các hợp tác xã, tổ sản xuất có đủ điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, tem nhãn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, đặc biệt là liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với người dân. Từ đó, phát triển vùng cây ăn quả tập trung, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân trên địa bàn cũng như góp phần phát triển kinh tế địa phương./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập