Kinh tế

Xã Bạch Ngọc phát triển trồng cây Quế trên đất đồi

23/11/2021 01:51 580 lượt xem

          Những năm gần đây, Quế đã trở thành cây có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Do đó, nông dân trên địa bàn xã Bạch Ngọc đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích trồng quế trên đất đồi.

Xã Bạch Ngọc phát triển trồng cây Quế trên đất đồi
Chị Hầu Thị Sua thôn Ngọc Lâm xã Bạch Ngọc chăm sóc đồi quế của gia đình.

            Nhận thấy cây quế có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, năm 2018, gia đình chị Hầu Thị Sua, thôn Ngọc Lâm, xã Bạch Ngọc mạnh dạn trồng1 vạn cây quế trên diện tích 3 ha. Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế qua các lớp do xã phối hợp tổ chức, gia đình chị đã áp dụng vào thực tế sản xuất nên đồi quế của gia đình đang phát triển tốt. Chị Sua chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi chỉ biết làm nương, chăn nuôi thôi, về sau thấy đất đồi rộng và thấy nhiều nơi trồng quế rất hiệu quả nên tôi quyết định đi tìm giống quế về trồng. Tôi thấy so với các loại cây lâm nghiệp thì trồng quế có giá trị kinh tế cao hơn nên tôi sẽ mở rộng và phát triển mô hình trồng quế ".

80 ha quế trồng trên đất đồi tại xã Bạch Ngọc hiện đang phát triển tốt.

            Không riêng gia đình chị Sua, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng quế đem lại nên 6 năm nay người dân trên địa bàn xã đã tích cực phát triển kinh tế từ cây trồng này. Hiện xã Bạch Ngọc có trên 80 ha quế trồng trên đất đồi, tập trung chủ yếu tại thôn Ngọc Lâm. Ưu điểm của cây quế là loại cây có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, chi phí trồng thấp, tốn ít công chăm sóc, ước tính người dân đầu tư chỉ hơn 10 triệu đồng/ha. "Sau 8 đến 10 năm, cây đã có thể cho khai thác, đặc biệt trên thị trường hiện nay, vỏ cây quế được ưa chuộng, thường sử dụng trong chữa bệnh (đông y, tây y). Với mùi thơm đặc biệt, vỏ quế cũng được sử dụng làm gia vị cho các món ăn. Từ vỏ quế còn chế biến ra rất nhiều sản phẩm phong phú khác như quế ống, bột quế, đồ thủ công mỹ nghệ…Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế là một trong những hương liệu tạo nên các loại nước hoa nổi tiếng trên thị trường, còn thân cây cung cấp gỗ. Mặt khác, cây quế còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước". Ông Triệu Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc cho biết thêm.

             Hy vọng rằng, cây quế sẽ dần trở thành cây trồng chủ lực trong những năm tới, để tiếp tục đưa trồng rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của xã, giúp người dân từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo vững chắc.

Thu Biên

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập