Văn hóa - Xã hội

21 năm gắn bó với nghề

13/10/2022 10:06 45 lượt xem

            Cứ ngỡ nó là công việc nhẹ nhàng, rảnh rang, nhưng thực sự là thật vất vả khi ai đảm nhận trách nhiệm này. Mặc dù vậy, nhưng trong 21 năm qua ông Hoàng Văn Hoạt vẫn gắn bó thân thiết với nghề Quản trang để ngày đêm thầm lặng "canh giấc ngủ" cho các Anh hùng Liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang. Với ông, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui.

21 năm gắn bó với nghề
21 năm gắn bó với nghề

             Ông Hoàng Văn Hoạt 51 tuổi ở Tổ 1, thị trấn Vị Xuyên. Từng tham gia chiến đấu trên mặt trận biên giới Vị Xuyên giai đoạn 1979 -1989.  Năm 1997 ông xuất ngũ trở về địa phương. Năm 2001, Ông xin làm Quản trang tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, từ ngày ấy đến bây giờ đã tròn 21 năm. Quản trang là nghề khá đặc biệt, một nghề không đơn thuần chỉ là công việc để mưu sinh, mà ông còn làm với tất cả sự trân trọng, lòng tri ân. Được làm nhiệm vụ bảo vệ phần mộ cho các Liệt sĩ là niềm tự hào, vinh dự của cá nhân Ông khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để “canh giấc ngủ” cho các đồng đội. Ông Hoạt chia sẻ: Gắn bó ở đây đến nay đã 21 năm, tôi đã quen thuộc từng lối mộ, nắm rõ từng vị trí, số hiệu của từng phần mộ. May mắn, công việc tôi lựa chọn được người thân, gia đình hết lòng ủng hộ. Vợ tôi, bây giờ cũng theo chân tôi vào làm việc tại Tổ Quản trang. Công việc của tôi cùng anh em trong Tổ là quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây cảnh và các công trình khác trong Nghĩa trang đảm bảo luôn sạch đẹp và trang nghiêm; đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ các tổ chức, cá nhân, thân nhân, người dân đến thăm viếng. Do đặc thù công việc khiến thời gian của tôi ở ngoài trời nhiều hơn trong nhà, thời tiết thuận lợi thì còn đỡ, mùa nắng nóng hay mưa rét thì vất vả không nói hết.

Vợ ông Hoạt thấu hiểu chia sẻ công việc của ông nên cũng theo ông vào làm việc tại Tổ Quản trang.

           Từ những ngày đầu còn hoang sơ, cách trở, có nhiều rắn rết, từng lối đi bám đầy rong rêu,…Nay khuôn viên Nghĩa trang đã trở nên rộng rãi, sạch đẹp và quy mô, đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của Hà Giang và cả nước. Vào mỗi dịp diễn ra sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn, Nghĩa trang thường xuyên đón một lượng lớn các đoàn khách là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo và nhân dân các tỉnh thành trong nước và rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, viếng, dâng hương, dâng hoa bày tỏ tấm lòng tri ân. Cựu Chiến binh Nguyễn Quang Hoan, thủ đô Hà Nội chia sẻ: Khuôn viên Nghĩa trang sạch đẹp, hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, những ngôi mộ được quét dọn, lau chùi sạch sẽ đó là những gì mà chúng tôi thấy. Bản thân tôi cảm thấy rất yên tâm khi đồng đội chúng tôi nằm đây.

           Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên được xây dựng trên tổng diện tích hơn 10 ha, thuộc Tổ dân phố 18, thị trấn Vị Xuyên; là nơi yên nghỉ của 1.864 mộ Liệt sỹ và 1 mộ tập thể đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Trong đó, có 232 ngôi mộ Liệt sỹ, hi sinh trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chống Pháp, Mỹ, 1632 mộ và 1 mộ tập thể của Liệt sỹ đã hi sinh tại Mặt trận Vị Xuyên từ năm 1979 – 1989. Trong số này, vẫn còn 371 ngôi mộ Liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Hàng ngày được chăm lo, bảo vệ từng phần mộ cho các Liệt sỹ và đón tiếp các đoàn, thân nhân các gia đình Liệt sỹ đến thăm viếng nghĩa trang là niềm vui của ông Hoạt. Với những ngôi mộ chưa xác định được thông tin, không người thân thăm viếng thì những người quản trang xem các anh như người thân, chăm sóc một cách chu đáo. Gia đình tôi mỗi năm chỉ lên thắp hương, dọn dẹp được 1 đến 2 lần, thường là vào dịp Tết Nguyên đán và dịp 27/7, thời gian còn lại đều gửi gắm cho Quản trang ở đây. Mỗi lần lên đây thấy phần mộ của bố tôi luôn được chăm sóc tốt, sạch sẽ, gọn gàng, bản thân tôi là người thân Liệt sĩ cũng thấy ấm lòng”. Anh Vũ Mạnh Thắng thân nhân Liệt sỹ nói.

            Chiến tranh đã lùi xa, màu xanh của cỏ cây đã trở lại, nhưng vẫn có những con người ngày đêm lặng thầm “canh giấc ngủ” bình yên cho các vong linh Liệt sỹ. Với họ, đó như một cách tri ân những người con ưu tú của non sông đã ngã xuống vì nên độc lập tự do của dân tộc.

Công việc hàng ngày của ông Hoàng Văn Hoạt là quét dọn, lau chùi tại nghĩa trang.

 

Thu Biên - Ngọc Tuân

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập