Văn hóa - Xã hội

Nơi lưu giữ nghề làm giấy của người Dao

02/02/2024 17:34 68 lượt xem

             Nghề làm giấy của dân tộc Dao áo dài ở xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên là một trong các nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc. Ngày nay còn rất ít hộ gia đình làm giấy, người biết làm đa số là người cao tuổi, trung tuổi, còn lớp trẻ ngày nay không mặn mà với nghề làm giấy, do vậy, nghề làm giấy ngày càng mai một dần.

Nơi lưu giữ nghề làm giấy của người Dao
Cụ Trương Thị Gìn, thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn đang tráng giấy

          Ở thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn có trên 114 hộ gia đình người Tày, người Dao cùng sinh sống, nhưng hiện nay chỉ còn vài hộ biết tự làm giấy, trong đó có cụ Trương Thị Gìn, dân tộc Dao, năm nay cụ 90 tuổi. Năm nào cụ cũng làm giấy để phục vụ cho gia đình, cho thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là khi Tết đến xuân về, Cụ coi đây như một móm quà dâng tặng những người đã khuất. Cụ đã biết làm giấy từ ngày còn trẻ, cũng được truyền dạy từ ông bà, cha mẹ. Vì giấy là một sản phẩm không thể thiếu được trong mỗi gia đình Việt Nam, người dân tộc Dao cũng vậy, giấy thường được sử dụng trong việc ghi chép, cúng bái, lễ tết, dùng để cắt quần áo, tiền vàng trong tục thờ cúng, dùng để viết chữ Nho, chữ Hán, bởi giấy dai và thấm mực nên chữ viết không bao giờ phai. 

         Chị Phàn Thị Phương, cháu bà Gìn, thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn tâm sự: Bà cụ nhà tôi năm nay đã 90 tuổi rồi, bà không biết nói tiếng phổ thông. Năm nào bà cũng tự làm giấy, để thờ cúng tổ tiên, đặc biệt trong những ngày tết, giấy dùng làm quần áo, tiền vàng cho các cụ tổ tiên. Nên không thể thiếu được, mỗi năm gần tết thì bà làm giấy với số lượng nhiều hơn, một phần để bán cho anh em hàng xóm.

sản phẩm giấy được làm ra từ đôi bàn tay của Cụ Trương Thị Gìn, thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn.

          Nguyên liệu làm giấy là bằng rơm lúa nếp và một loại cây rừng, nên hàng năm sau gặt vụ lúa mùa, người làm giấy phải thu gom rơm từ cây lúa nếp, để làm giấy. Cách làm giấy, trước tiên đem rơm ngâm nước trong một tuần, để rơm mềm ra, sau đó đem về đun với vôi bột hay tro bếp. Rồi giã nát, cuối cùng rơm được trộn với một loại nước cây khác, có tác dụng tạo sự kết dính và làm trơn bột giấy, 2 hỗn hợp này trộn với nhau, rồi tráng trên một khung vải, để một lúc ráo nước, rồi đem ra phơi. Đây là công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng của sản phẩm. Khung to hay nhỏ, rộng hay hẹp tùy thuộc vào mục đích sử dụng của sản phẩm giấy, thường thì làm khung vải với kích thước 1 mét vuông. Để duy trì nghề làm giấy cho muôn đời sau, hiện nay cụ Gìn đã truyền dạy thành công cho một người cháu gái, về các công đoạn kỹ thuật pha chế, để làm ra một sản phẩm giấy truyền thống của dân tộc. Một việc làm thật có ý nghĩa, nhằm góp phần gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Chị Đặng Thị Rau, thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn cho biết: Nhờ có bà truyền dạy, đến nay tôi đã biết làm giấy, nghề truyền thống của dân tộc mình. Làm giấy với 2 nguyên liệu chính là rơm cây lúa nếp và một loại cây tạo nhớt, tạo chất kết dính. Biết làm nghề giấy này, tôi cũng rất tự hào và tôi sẽ cố gắng duy trì mãi mãi, để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.

          Sau khi phơi giấy đã khô, dùng dao nhọn mỏng, bóc xung quanh cho giấy bong ra, sau đó mới dùng tay kéo tấm giấy ra khỏi khung. Nghề làm giấy của dân tộc Dao là một trong các nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Ngày nay còn rất ít hộ gia đình làm giấy, người biết làm đa số là người cao tuổi, trung tuổi, còn lớp trẻ ngày nay không mặn mà với nghề làm giấy, do vậy, ngày càng mai một dần. Để bảo tồn, cần được khuyến khích, động viên, hỗ trợ kinh phí, để mở lớp truyền dạy nghề làm giấy cho thế hệ trẻ, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

         Ông Thèn Kim Lượng, PCT -UBND xã Thượng Sơn nói: Nghề làm giấy này, trước đây địa phương chúng tôi có rết nhiều gia đình biết làm, đến dịp cuối năm nhàn rối nhà nào cũng tự làm giấy, để tự cung, tự cấp. Nhưng bây giờ do thị trường có sẵn để mua, dẫn đến còn ít nhà biết làm và bị mất dần. Hiện nay, xã chúng tôi cũng quan tâm động viên những gia đình còn biết làm, để họ thường xuyên duy trì và truyền dạy cho con cháu, để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc. 

         Nghề làm giấy của người Dao, ở xã thượng sơn, tuy chưa thành sản phẩm hàng hóa lớn được trao đổi trên thị trường, mà chỉ tự cung, tự cấp trong gia đình, trong làng xóm với nhau. Nhưng cũng tự hào, là một nghề truyền thống của dân tộc. Thật vui khi một số hộ gia đình vẫn hàng ngày cần mẫn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại theo cách riêng của họ, như cụ Trương Thị Gìn, ở thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn. Để bảo tồn, phát triển nghề làm giấy bản truyền thống của người Dao, chính quyền địa phương cần tính đến việc phát triển thành làng nghề gắn với phát triển du lịch, tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động cũng như quảng bá, tìm kiếm thị trường để sản phẩm của người dân có đầu ra ổn định. Có như vậy, nghề làm giấy nói riêng và các nghề truyền thống của nhân dân nói chung mới phát triển bền vững, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.  

Vi Quyền

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập