Văn hóa - Xã hội

Thôn Suối Đồng 40 năm đón Tết hạ sơn

25/01/2020 00:00 83 lượt xem

Về với bà con dân tộc Mông thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên những ngày này, ai cũng cảm nhận được hương sắc mùa Xuân đang ngập tràn mọi nơi. Xuân len lỏi trong sắc màu rực rỡ của trang phục người Mông đi chơi, đi chợ Tết, trong cái vị cay nồng của rượu ngô, trong hương thơm đặc trưng của những món ăn, cùng những trò chơi dân gian độc đáo… Tròn 40 năm bà con dân tộc Mông thôn Suối Đồng nơi đây được đón một cái tết no đủ, đầm ấm và hạnh phúc nơi hạ sơn.

             Suối Đồng là thôn chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống, toàn thôn có 55 hộ gia đình với tổng số 267 nhân khẩu, tất cả đều tự di cư từ huyện Đồng Văn xuống. Khi đặt chân đến đây, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chăm chỉ lao động, lại được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương nên cuộc sống của bà con cũng dần ổn định. Chính nhờ vậy mà Tết của đồng bào Mông nơi đây cũng dần sung túc hơn. 40 năm sống trên miền đất mới với những phong tục tập quán khác biệt, dẫu có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, nhưng người Mông thôn Suối Đồng vẫn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về. Theo phong tục truyền thống, khoảng trước Tết Nguyên đán một tháng cũng là thời điểm bà con thu hoạch xong mùa màng, người Mông cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Giống như những dân tộc khác, Tết cổ truyền của người Mông cũng có những nét độc đáo và những món ăn vô cùng hấp dẫn. Bà Mã Thị Mỷ, Thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm, Huyện Vị Xuyên vui vẻ nói với chúng tôi: “Tết năm nay của thôn tôi vui lắm, bà con ai nấy đều phấn khởi. Tết năm nay nhà nào trong thôn cũng mổ lợn ăn tết, nhà không có cũng phải có con gà. Người già, trẻ con đều có quần áo mới đi chơi, ai nấy đều vui vẻ và háo hức ”

Tết người Mông ở Suối Đồng được tổ chức ăn Tết chung với đồng bào cả nước chứ không ăn Tết Mông riêng như một số địa phương khác. Nhiều năm trở lại đây, những hủ tục lạc hậu của đồng bào đã được loại bỏ; tết được bà con tổ chức khá tiết kiệm và an toàn, không còn tình trạng ăn tết kéo dài, mà quên đi công việc lao động, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình.

Tết của người Mông thôn Suối Đồng đậm đà bản sắc với những tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng. Mỗi dòng họ và gia đình đồng bào Mông nơi đây có phong tục, lễ nghi riêng. Tùy vào mỗi dòng họ mà có cách thờ cúng tổ tiên riêng, có dòng họ thì không dùng bàn thờ, còn có dòng họ thì lại quan tâm, chú trọng tới việc làm lễ thay bàn thờ, họ coi đây là một trong những lễ quan trọng nhất vào ngày Tết của người Mông. Bởi bàn thờ là nơi mỗi gia đình người Mông thờ cúng tổ tiên và luôn được thay mới trong dịp Tết để hạnh phúc, may mắn luôn ngập tràn, gia đình luôn được che chở, phù hộ. Giấy đỏ, hoặc giấy trắng niêm phong cũng là vật không thể thiếu trong những ngày này. Người Mông cho rằng màu đỏ mang lại nhiều may mắn, suôn sẻ nên giấy niêm phong thường là màu đỏ. Giấy được treo trước cửa nhà, nơi giếng nước, các dụng cụ lao động. ông Giàng Mý Páo, Bí thư chi bộ thôn Suối Đồng, TT Việt Lâm, huyện Vị Xuyên phấn khởi cho biết: “40 năm chúng tôi hạ sơn xuống đây, chúng tôi luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Tết dân tộc mông chúng tôi bây giờ khác xưa nhiều lắm, từ khi hạ sơn xuống đây, chúng tôi ăn tết cùng với người kinh rồi, năm nào cũng ăn tết, vui tươi, đầm ấm và tiết kiệm, nhiều hủ tục được loại bỏ. Những phong tục, lễ nghi hay những món ăn truyền thống của dân tộc trong ngày tết, chúng tôi vẫn còn lưu giữ.”

Tiết mục múa khèn truyền thống của dân tộc Mông được biểu diễn trong các ngày lễ, tết

Trong ngày tết cổ truyền của dân tộc, các chàng trai, cô gái, già trẻ trong làng lại có dịp trưng diện những bộ váy, áo đẹp nhất tụ tập ở nhà văn hóa thôn. Những bộ váy đều do chính tay phụ nữ Mông thêu, dệt nên. Các họa tiết, hoa văn trên thân áo người Mông rất sặc sỡ với những màu nổi bật như đỏ, xanh, vàng… và được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như đánh yến, đành cù, múa khèn.... Đây chính là nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Mông thôn Suối Đồng được lưu truyền từ ngàn đời nay. ông Phạm Văn Ánh, PCT - UBND thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên cho biết: “Hàng năm cứ mỗi dịp bà con tổ chức đón tết, thì chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại thôn, đặc biệt là vẫn duy trì cùng bà con tổ chức Lễ hội Gầu Tào để lưu giữ những nét đẹp văn hóa của bà con dân tộc mông, cũng như thắt chặt thêm tình đoàn kết của bà con nhân dân các dân tộc trong thôn bản.”

Một mùa xuân nữa lại về bừng sáng trong sắc hoa đào, Cuộc sống của đồng bào người Mông khu hạ sơn thôn Suối Đồng đã ổn định. Bà con yên tâm sản xuất, kinh tế ngày càng khởi sắc; bản sắc văn hóa dân tộc luôn được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị trong thôn ngày càng được củng cố và phát triển. Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được tăng lên. Một mùa xuân ngập tràn sức sống đang đến, với biết bao niềm tin, hy vọng tốt đẹp của một năm mới Canh Tý nhiều thắng lợi mới.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập