Thông tin tuyên truyền

46 năm ký ức “Ngày chiến thắng”

27/04/2021 02:18 79 lượt xem

Đã 46 năm trôi qua, ký ức hào hùng về chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong mỗi người dân Việt Nam. Thắng lợi đó đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

       Cuối năm 1974, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cùng các bộ chủ chốt ở chiến trường miền Nam đã họp bàn về quyết tâm chiến lược và kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Bộ Chính trị dự kiến: nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược trên, cả nước dốc sức dốc lòng chuẩn bị cả thế và lực cho công cuộc giải phóng miền Nam.

 

 Tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam (ảnh tư liệu)

      Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3/1975 đến ngày 3/4/1975) chính là đòn giáng mở đầu cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên xác định trận tiến công Thị xã Buôn Ma Thuột là trận then chốt. Ngày 10/3/1975, tiếng súng đánh chiếm Buôn Ma Thuột bắt đầu. Đến trưa ngày 11/3/1975, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã. Việc đánh chiếm, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột trong hơn một ngày đêm chính là đòn tiến công chiến lược làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ, choáng váng. Những thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Sau khi mất Tây Nguyên, chính quyền và quân đội Sài Gòn rơi vào tình trạng hoang mang, rối loạn. Địch tập trung quân về giữ thành phố Huế và khu liên hợp quân sự Đà Nẵng, chờ đợi viện binh từ phía Nam ra phản công. Nhạy bén tranh thủ thời cơ, ta đã nhanh chóng mở cuộc tiến công Huế – Đà Nẵng.

Từ ngày 6/3/1975 quân giải phóng bắt đầu tiến công ở Trị Thiên và Khu 5. Sau 25 ngày đêm chiến đấu (6/3/1975 đến 29/3/1975) trong Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, quân giải phóng đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1, Quân khu I. Đến ngày 3/4/1975, toàn bộ các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung được giải phóng. Ngày 4/4/1975, Quân uỷ Trung ương giao cho Khu 5 và lực lượng hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Từ ngày 14 đến ngày 29/4/1975, toàn bộ các đảo trên được giải phóng.Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã quyết định dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên: “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử.

 

Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương duyệt phương án tác chiến cho Chiến dịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

Giữa tháng 4/1975, ta quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên “Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa. Tất cả các lực lượng chiến lược được huy động cho chiến dịch này.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Từ ngày 26/4 đến ngày 28/4/1975, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Ngày 29/4/1975, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công. Sáng 30/4/1975, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu.

Sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, 11h30 ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 1/5/1975, toàn bộ lực lượng còn lại của quân ngụy tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước và giành lại độc lập cho dân tộc. Thắng lợi đó mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh  hùng  cách  mạng  và  trí  tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập