Kinh tế

Các hội chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh

16/10/2023 16:14 165 lượt xem

           Trong thời gian qua,  trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 4 xã, thị trấn xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi gồm: Bạch Ngọc, Việt Lâm, Ngọc Minh và thị trấn Vị Xuyên. Tổng số lợn chết và tiêu hủy 437 con. Sau khi phát hiện dịch, Trạm chăn nuôi và thú y huyện, đã cấp 800 lít hóa chất, trên 25 tấn vôi bột để các điểm có dịch tiêu hủy theo quy trình. 

Các hội chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh
Vương Thị Lan, thôn Nặm Dầu, xã Ngọc Linh đang chăm sóc đàn lợn gia đình

            Trước những nguy cơ dịch bệnh, dịch tả lợn Châu phi tiếp tục tái phát và phát sinh là rất cao, do đặc điểm của vi rút này có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường. Hiện chưa có thuốc đặc trị, nên lây lan rất nhanh, khi trong đàn chỉ phát hiện một con nhiễm bệnh, là nguy cơ cả đàn bị bệnh và chết là rất lớn... Ngoài ra, phần lớn chăn nuôi lợn mang tính nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư, đặc biệt tại một số địa phương, còn nuôi lợn thả rông làm dịch bệnh lây lan nhanh và gây khó khăn trong công tác chống dịch. Gia đình bà Vương Thị Lan, ở thôn Nặm Dầu, xã Ngọc Linh, ngoài việc canh tác một số loại rau màu, kinh tế gia đình bà chủ yếu dựa vào việc chăn nuôi lợn thịt, nên chuồng trại được xây dựng bài bản, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại định kỳ và tiêm phòng đầy đủ các loại vac xin, phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Nhờ đó, những đợt dịch vừa qua, và những năm qua, đàn lợn của gia đình bà vẫn bảo đảm sức khoẻ tốt, không bị nhiễm bệnh. Hiện trong chuồng nhà bà Lan, có gần 40 con lợn to, bé và cả lợn nái. Nên việc chăm sóc phòng chống dịch bệnh được đưa lên hàng đầu.  Bà Vương Thị Lan, thôn Nặm Dầu, xã Ngọc Linh cho biết: Nhà tôi phát triển nuôi lợn từ rất lâu rồi, những năm thuận lợi nuôi được trên 100 con. Nhưng mấy năm gần đây hay bị dịch tả lợn Châu phi, nên chỉ dám nuôi 30 - 40 con thôi. Trong quá trình nuôi lúc nào cũng tiêm phòng vác xin đầy đủ, phun tiêu độc khủ trùng, mỗi tuần một lần. Nên hiện nay đàn lợn nhà tôi vẫn phát triển bình thường.

          Gia đình ông La Đức Toàn, ở thôn Tiến Thành xã Ngọc Minh, sau nhiều năm dồn hết vốn liếng vào xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt, ông cũng đưa ra những kinh nghiệm trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất là phòng ngừa dịch bệnh, một khi đàn vật nuôi xảy ra bệnh thì việc điều trị sẽ rất khó. Do đó, ngay từ khâu chọn con giống, ông cũng rất cẩn thận tìm những con giống có chất lượng. Ngoài ra, để phòng ngừa dịch bệnh trong suốt thời gian chăn nuôi, ông đã tiêm phòng vaccine tất cả các loại bệnh, theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Ông Toàn tâm sự : Trong mấy năm gần đây, xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu phi, nên ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi. Do vậy trong quá trình nuôi, công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, chuồng trại lúc nào cũng phải sạch sẽ, mỗi tuần phun khử trùng, rắc vôi bột một lần. Từ khi có dịch tả lợn Châu phi, việc chăn nuôi của gia đình cũng giảm về số lượng, mỗi lứa chỉ nuôi tầm  30 con thôi.

         Nuôi lợn không bị bệnh thì sẽ phát triển nhanh, người nuôi sẽ đỡ tốn công chăm sóc, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, có thể xuất bán sớm và không bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, mỗi con giống đẻ ra, hay mua về đều được các hộ tiêm phòng vac xin đầy đủ, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao, chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện.

Vi Quyền

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập