Kinh tế

Chương trình CPRP đồng hành cùng Vị Xuyên giảm nghèo bền vững

15/09/2020 08:03 136 lượt xem

Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang (CPRP) được triển khai tại huyện Vị Xuyên vào tháng 4/2015 trên địa bàn 4 xã: Linh Hồ, Thuận Hòa, Cao Bồ và Thượng Sơn, với 54 thôn, bản được thụ hưởng. Sau 5 năm triển khai, thực hiện đến nay Chương trình đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy lao động, sản xuất, giúp người dân vùng dự án cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định đời sống.

          Năm 2018, nhờ vào sự quan tâm, kết nối từ cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội cấp trên, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông lâm nghiệp Hướng Dương, thôn Nà Khà, xã Linh Hồ đã được Chương trình CPRP hỗ trợ số vốn lớn lên đến hơn 1 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm của HTX. Theo đó, ngay sau khi nhận được số vốn trên, Ban giám đốc HTX đã bàn bạc cùng các thành viên, đầu tư xây thêm nhà xưởng để trồng Nấm, nhà cấy nấm, đóng bầu, mua lò hấp, xấy và đóng gói bao bì sản phẩm Nấm sạch đưa ra thị trường. Cùng với đó đầu tư chăn nuôi các giống lợn đen bản địa, lợn rừng, trâu hàng hóa… để phát triển kinh tế. Đến nay sau hơn 2 năm đầu tư, các mô hình phát triển kinh tế các thành viên HTX đang được duy trì và phát triển, tìm được đầu ra ổn định trên thị trường. Nhất là sản phẩm nấm sạch, với quy mô 40-50 nghìn bịch nấm mỗi vụ, cho thu kéo dài từ tháng 8 tới tháng 4 năm sau, trung bình giá bán 35-50 nghìn/kg. Doanh thu các thành viên HTX sau khi trừ chi phí thu về trên trăm triệu đồng. Chị Hoàng Thị Diện – Giám đốc HTX Hướng Dương, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên chia sẻ: “ Sau khi nhận được tiền hỗ trợ từ Chường trình CPRP, HTX đã sử dụng đúng mục đích nguồn vốn hỗ trợ như: Mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc hiện đại để tạo thành thành phẩm như nấm sấy khô, nấm tươi hút chân không, xây thêm chuồng trại khép kín chăn nuôi lợn đen bản địa, lợn rừng để phát triển kinh tế. Đến nay, sau 2 năm HTX đang dần đi vào ổn định, các thành viên đều phấn khởi và kinh tế phát triển, mỗi năm sau khi trừ chi phí cũng thu từ 150-180 triệu đồng/người/năm. Cảm ơn nguồn hỗ trợ từ Chương trình CPRP rất nhiều.”

 

Mô hình trồng nấm được CPRP hỗ trợ vốn, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm của HTX Hướng Dương, xã Linh Hồ 

      Thuận hòa là 1 trong 4 xã của huyện Vị Xuyên được Chương trình CPRP lựa chọn đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngay khi Chương trình được triển khai, thực hiện tại địa phương, đã có những tác động mạnh mẽ đến việc tổ chức lại sản xuất cho người dân, các mối liên kết trong sản xuất dần hình thành, cùng với việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư khác đã làm diện mạo nông thôn xã Thuận Hòa ngày càng đổi thay. Sau 5 năm, Chương trình CPRP đã đầu tư tại xã được trên 10 tỷ đồng. Tập trung phát triển các nhóm đồng sở thích (CIG) với 130 hộ tham gia như: Nuôi cá lòng hồ thủy điện, nuôi trâu bò, dê nhốt, trồng nấm, nuôi gà, trồng sắn…Các mô hình đến nay vẫn được duy trì và phát triển, tăng về số lượng, mở rộng thêm quy mô, giúp các hộ dân được hưởng lợi thoát được nghèo, đang dần vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 khi mới bắt đầu chương trình chiếm 70,09%, đến nay còn hơn 44,64%( Theo tiêu chí đa chiều), hệ thống đường giao thông nông thôn dần được cứng hóa, hoàn thiện, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 7 triệu đồng/người/năm so với khi bắt đầu dự án. Bà Nguyễn Thị Chiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên cho biết: “ Sau 5 năm triển khai, thực hiện trên địa bàn có thể khẳng định Chương trình CPRP đã phát huy rất hiệu quả, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, sau khi Chương trình kết thúc, cấp uỷ, chính quyền xã vẫn sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn, tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục duy trì, mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như: Nuôi cá lồng, nuôi trâu bò, dê nhốt…để không những nâng cao thu nhập, cuộc sống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.”

Nhóm cùng sở thích nuôi Dê xã Thượng Sơn

         Anh Lự Văn Hoàn – Trưởng Nhóm sở thích nuôi cá lồng, thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa chia sẻ: ““ Nhờ có sự đầu tư hỗ trợ của chương trình CPRP đã giúp cho nhóm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện của chúng tôi ngày càng phát triển hơn, từ 20 lồng cá được hỗ trợ ban đầu, cùng nhiều nguồn vốn lồng ghép của xã hỗ trợ đã giúp nhóm chúng tôi tăng lên 30 lồng cá. Với các loại được thị trường ưa chuộng như: Cá Lăng, Trắm, Rô phi đơn tính, Bỗng…Cá sinh trưởng tốt, trung bình bán được từ 50 – 250 nghìn đồng/kg tùy từng loại cá, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Chúng tôi rất phấn khởi và cảm ơn Chương trình CPRP đã hỗ trợ vốn và kỹ thuật giúp người dân chúng tôi có hướng làm kinh tế ổn định, nâng cao đời sống hơn.”

         Một trong những nhiệm vụ xuyên suốt Chương trình CPRP hướng tới chính là hộ nghèo, cận nghèo; tác động giảm nghèo và đảm bảo tính bền vững. Từ giá trị nhân văn sâu sắc này, Chương trình CPRP được triển khai tại 4 xã khó khăn gồm Thuận Hòa, Cao Bồ, Thượng Sơn và Linh Hồ để từng bước góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây. Sau 5 năm đồng hành cùng địa phương, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình CPRP tại Vị Xuyên đạt trên 75 tỷ 350 triệu đồng, với 4.680 hộ = 7.659 khẩu được hưởng lợi trực tiếp, trong đó hộ nghèo chiếm 40%. Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP của huyện đã xây dựng 9 kế hoạch nâng cấp chuỗi giá trị (VCAP) tại 4 xã thực hiện chương trình, gồm: Chuỗi gà và lợn đen tại xã Linh Hồ; chuỗi sắn và trâu tại xã Thuận Hòa; chuỗi Chè và Thảo quả tại 2 xã Cao Bồ, Thượng Sơn và chuỗi Dê. Qua triển khai các VCAP đã thành lập được 69 nhóm cùng sở thích (CIG) với tổng số tiền được nhận tài trợ từ Chương trình là hơn 7 tỷ triệu đồng. Các nhóm CIG đã mở rộng quy mô sản xuất, tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của chương trình để cho vay quay vòng hiệu quả. Anh Lưu Văn Thông – HTX Vinh Quang, thôn Bản Lủa, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên cho biết: ““ Các thành viên của nhóm đều là những thanh niên trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp, chúng tôi muốn đưa sản phẩm lợn đen giống bản địa quê hương tới tay người tiêu dùng nhiều hơn nên đã thành lập nhóm cùng sở thích chăn nuôi, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau tìm đầu ra cho sản phẩm. Rất may mắn khi đầu năm 2017, Tổ hỗ trợ giảm nghèo bền vững(CPRP)huyện đã hỗ trợ nhóm được hơn 100 triệu để mua thêm lợn giống, tập huấn nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, cải tạo chuồng trại, từ đó chất lượng lợn đen được nâng cao. Đến nay, nhóm đang dần phát triển ổn định, đã hợp tác được với công ty chuyên phân phối thực phẩm sạch tại Hà Nội xuất bán lợn đều đặn, đem lại nguồn thu ổn định cho các thành viên.”

         Cùng với hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất, Chương trình CPRP còn phối hợp các ngành chuyên môn địa phương tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho nhân dân. Qua đó, đã tổ chức được 38 lớp tập huấn cho 1.820 học viên với các nội dung: Lập phương án sản xuất, kinh doanh, phân tích kinh tế, tìm hiểu thị trường, quản lý nhóm CIG cho trưởng nhóm và thư ký nhóm, chế biến bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm; quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, xây dựng chuỗi giá trị (VCAP) cấp xã, thủ tục đấu thầu công trình xây dựng cơ bản, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các chuỗi giá trị. Qua các lớp tập huấn giúp cho các học viên được nâng cao kỹ năng chuyên môn để vận dụng vào triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình. Cùng với đó, tổ chức 22 lớp tập huấn quản lý kinh tế hộ cho thành viên nhóm Tiết kiệm tín dụng với 686 thành viên tham gia. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 76 nhóm Tiết kiệm tín dụng phụ nữ với 925 thành viên. Có 828 thành viên được vay vốn với tổng dư nợ trên 11 tỷ đồng. Trong đó, có 72 nhóm huy động được tiết kiệm với tổng số tiền là hơn 462 triệu đồng. Hỗ trợ 8 nhóm CIG Sản xuất và chế biến chè, thiết kế và in ấn nhãn mác cho sản phẩm chè xanh sấy khô, đăng ký mã vạch truy xuất hàng hóa sản phẩm. Ký hợp đồng liên kết với một số hộ kinh doanh tại thị trấn Vị Xuyên để giới thiệu và bán các sản phẩm mang thương hiệu của địa phương, đến nay tại một số cơ sở đã có những sản phẩm để giới thiệu và bán ra thị trường. Cô Thượng Thị Luyên, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên chia sẻ: “ Nhờ sự kết nối của Hội phụ nữ xã, thôn, đã tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay tổng 14 triệu qua 2 lần hỗ trợ từ tổ tiết kiệm vay vốn Chương trình CPRP. Tôi đã quyết định đầu tư nuôi lợn đen giống bản địa. Đến nay từ 5 con giống ban đầu, đàn lợn đã phát triển lên gần 30 con, mỗi năm xuất bán 2 đến 3 lứa đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, không còn phải lo cái ăn cái mặc nữa. Tôi rất phấn khởi và gửi lời cảm ơn tới Chương trình CPRP nhiều lắm."

 

Nhóm sở thích trồng và chế biến Chè thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn

         Ngoài hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thông qua Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng cộng đồng (CIF), Chương trình CPRP đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội qua việc đầu tư 33 đầu điểm công trình gồm: Làm đường bê tông dài 36.353m, xây dựng 2 cầu cứng và 3 công trình thủy lợi với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, cho 4.680 hộ hưởng lợi trực tiếp. Các công trình được đầu tư đã góp phần giảm thiểu khó khăn trong quá trình đi lại cho bà con nhân dân, thúc đẩy giao thương giảm chi phí đi lại, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa, cải thiện thu nhập cho người dân. Cô Triệu Thị Bình – thôn Lùng Chang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên cho biết: “ Trước kia đường đi vào thôn rất lầy lội, mùa mưa học sinh đi học, nhân dân đi làm khá vất vả. Nhờ sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình CPRP, nhân dân góp ngày công, cát sỏi nay con đường bê tông kiên cố đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, nhân dân chúng tôi ai cũng mừng vui, phấn khởi lắm. Từ này đi lại, giao thương, phát triển kinh tế sẽ tốt hơn.”

          Sau 5 năm đồng hành cùng huyện Vị Xuyên, Chương trình CPRP đã góp phần làm thay đổi rõ rệt các chỉ số về kinh tế, lao động việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng, điển hình như: Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2015 là 7.962 hộ, chiếm 33,5%, đến năm 2019 giảm xuống còn 4.918 hộ, chiếm 19,36%. Như vậy đã có 3.044 hộ thoát nghèo trong vòng 5 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 27,5 triệu đồng, tăng 43,2% so với năm 2015. Hệ thống đường giao thông nông thôn dần được hoàn thiện, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt đã góp phần quan trọng cùng hoàn thành các tiêu chí NTM, giúp xã Linh Hồ thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn và cán đích xã đạt chuẩn NTM vào năm 2018. Ông Lê Thanh Hải – Tổ trưởng Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP huyện Vị Xuyên cho biết: “ Sau khi Chương trình CPRP thực hiện tại huyện Vị Xuyên từ 2015 đến nay, có thể nói đã đồng hành rất hiệu quả cùng nhân dân huyện xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững. Cụ thể qua các chỉ số về tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân, an sinh xã hội thật sự đã có sự thay đổi rõ nét. Giúp thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún của người dân sang các nhóm sở thích chăn nuôi, trồng trọt, chế biến…Từ đó sản phẩm làm ra có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tạo nguồn thu nhập ổn định. Người dân còn được tập huấn, nâng cao kỹ năng hạch toán, tiếp cận tiến bộ KHKT. Sau khi dự án kết thúc huyện vẫn sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã tiếp tục duy trì các mô hình, nhóm sở thích, quỹ vay tín dụng thôn bản và nhân rộng, phát triển để ngày càng ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.”

 

 Mô hình nuôi lợn đen bản địa của hội viên phụ nữ xã Thuận Hòa sau khi được vay qua tổ tiết kiệm phụ nữ do CPRP tài trợ nguồn vốn.

       Có thể khẳng định rằng, sau 5 năm Chương trình CPRP được triển khai trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã có những tác động tích cực về mọi mặt và trở thành người bạn “đồng hành” hữu ích giúp nhân dân Vị Xuyên, đặc biệt là người dân vùng dự án giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập. Nhiều hộ dân có việc làm, thu nhập tăng thêm và ổn định hơn so với trước đây; các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra có giá cả, đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá; các tuyến đường liên thôn, xã được nâng cấp, mở mới giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, giao thương; tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm đều qua các năm. Chương trình đã góp phần đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển, đi lên./.

 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập