Kinh tế

Đào tạo nông dân thành chuyên gia trên đồng ruộng

01/03/2021 08:51 52 lượt xem

Những nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng giờ đây không còn phải “trông mưa, trông nắng” mà được trang bị kiến thức, kỹ năng, chủ động lựa chọn giống tốt, ứng dụng KHKT vào quá trình sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo năng suất và tăng thu nhập. Đó là thành quả từ Chương trình phòng trừ dịch hại tổng họp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu đang được tỉnh triển khai thực hiện.

            Chương trình IPM với mục tiêu quản lý tốt tình hình dịch hại cây trồng, giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ có khả năng cạnh tranh, tăng giá trị lợi nhuận trên một diện tích đất canh tác; đào tạo nông dân trở thành chuyên gia trên đồng ruộng. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh lồng ghép triển khai nhiều hoạt động thuộc chương trình IPM như: Tổ chức các lớp huấn luyện nông dân IPM trên cây lúa, chè, cam, lê và thực hiện 19 mô hình trình diễn trên cây lúa, chè, cam với tổng diện tích 9,5 ha; triển khai dự án JICA, dự án cải thiện nông nghiệp có tưới với 379 lớp tập huấn cho trên 13.620 người tham gia. Đối tượng tham gia tập huấn là khuyến nông cơ sở, các hộ nông dân tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Yên Minh. Các mô hình trình diễn tiêu biểu như: Kiểm chứng thâm canh lúa thuần chất lượng cao, ngô lai, đậu tương; trồng mới cây cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP; thâm canh, cải tạo vườn cam Sành giai đoạn kinh doanh; trồng mới cây lê, hồng không hạt, chăm sóc rau Bắp cải, Súp lơ theo hướng VietGAP… diện tích thực hiện các mô hình trên 1.380 ha với 4.638 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện chương trình trên 15,5 tỷ đồng. Các hoạt động đào tạo, tập huấn, mô hình chú trọng vào các nội dung thiết thực theo nhu cầu của người học và yêu cầu thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

            Qua thực hiện chương trình cho thấy, các mô hình IPM trên lúa, chè, cam đã góp phần giúp người nông dân giảm từ 15 - 30% lượng giống; 25 - 35% thuốc hoá học 15-25%  phân bón vô cơ; 25-30% nước tưới; năng suất tăng 15 - 22,5%; phân bón hữu cơ tăng 25 - 35%. Bên cạnh đó, với phương pháp chuyển giao các tiến bộ KHKT bằng hình thức “cầm tay, chỉ việc”, người dân được trực tiếp học và thực hành ngay trên đồng ruộng; qua đó biết cách quản lý dịch hại cây trồng, hạn chế khả năng gây hại của dịch bệnh, chăm sóc cây trồng đạt năng suất cao, đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Chủ động lựa chọn giống tốt, sử dụng giống gieo trồng đảm bảo tiết kiệm theo “3 giảm, 3 tăng”, phòng trừ tốt các loại sâu bệnh hại theo nguyên tắc “4 đúng”.

           Trong điều kiện tình hình thời tiết, dịch bệnh hại cây trồng diễn biến phức tạp; KHKT ngày càng phát triển, việc thực hiện chương trình IPM là xu hướng tất yếu hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình IPM vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Kinh phí hạn hẹp, thời tiết và dịch hại diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, một số hộ dân chưa chủ động tham gia, các lớp tập huấn, mô hình IPM chưa nhiều và chưa trở thành hệ thống. Để khắc phục khó khăn, ngày 7.1.2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình IPM giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu: Đào tạo thêm giảng viên chính đủ năng lực hướng dẫn nông dân áp dụng IPM trên cây lúa, cam, chè và hơn 500 hộ nông dân, HTX... hiểu biết và áp dụng IPM; trên 50% số xã Nông thôn mới sản xuất cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có đội ngũ nông dân nòng cốt hiểu biết và ứng dụng hiệu quả IPM; trên 50% số hộ nông dân tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm hiểu biết và áp dụng IPM; trên 30% diện tích cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu và 30% diện tích cây lương thực vùng chủ lực (lúa, ngô) ứng dụng IPM đầy đủ; giảm trên 25% lượng thuốc hóa học, trên 20% giống, nước tưới và tăng hiệu quả sản xuất trên 10%.

         Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình IPM trong giai đoạn tiếp theo, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: Đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng phương pháp “Nông dân huấn luyện nông dân”; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về áp dụng các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM; thực hiện mô hình cộng đồng ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại bền vững, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhân rộng IPM trong sản xuất đại trà.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập