Văn hóa - Xã hội

Giải pháp thực hiện tiêu chí giảm nghèo ở Vị Xuyên

03/04/2020 00:00 54 lượt xem

“Trong năm 2019, lĩnh vực giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) của huyện Vị Xuyên đạt kết quả nổi bật; đạt trên 198% kế hoạch (KH) của tỉnh, huyện giao. Kết quả đó đã giúp người dân ổn định cuộc sống, đóng góp vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương”, đồng chí Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, chia sẻ.

 Năm qua, tổng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Vị Xuyên là 3.936/1.985 lao động, đạt 198,2% so với KH tỉnh giao và 197% KH huyện, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,3% năm 2018 xuống còn 19,3%, giảm 3,9%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra theo tiêu chuẩn nghèo mới. Từ kết quả nổi bật đó, đã góp phần tác động tới đời sống KT – XH của địa phương; đặc biệt là cải thiện cuộc sống và góp phần nâng cao tiêu chí giảm nghèo của địa phương.

Để có kết quả nêu trên, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng chương trình hành động và giao các xã, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ cụ thể; tổ chức hội chợ việc làm với việc thu hút được 18 doanh nghiệp, 3 đơn vị ngân hàng tham dự, ngay sau hội chợ đã có trên 250 lao động tìm được việc làm mới. Tổ chức các buổi tư vấn, tuyên truyền giải quyết việc làm với sự tham gia của 8 doanh nghiệp; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phối hợp cùng với các ngành, đoàn thể, tỉnh, huyện, xã, thị trấn trực tiếp xuống các xã, thôn mở được 9 lớp với 278 học viên về đào tạo nghề...

Đồng chí Ngô Văn Cứu, Bí thư Đảng ủy xã Tùng Bá, cho biết: “ Hàng năm, xã có trên 800 người đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động; đây được xem là giải pháp tạo việc làm và giúp xã hoàn thành tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng Nông thôn mới. Nhằm tạo địa chỉ tin cậy và định hướng cho NLĐ, hàng năm, xã đã đưa ra các kế hoạch tuyên truyền, vận động thông qua các buổi họp dân; định hướng cho học sinh lớp 12 và người trong độ tuổi lao động học nghề và làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Với việc tìm những công ty uy tín, cơ sở đào tạo chuyên nghiệp đã tác động tích cực đến NLĐ; khiến NLĐ hào hứng và mong muốn được tham gia các lớp đào tạo nghề cũng như đăng ký đi làm tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Hiệu quả có thế thấy rõ là: Nhận thức và mặt bằng kinh tế của xã đang ngày một phát triển, NLĐ đã có tích lũy và gửi về gia đình xây dựng kinh tế. Qua đó, trong năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 11,3%; trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà tầng được xây mới, nhiều hộ dân thoát nghèo và nỗ lực phát triển kinh tế...”

Từng là hộ nghèo, không có vốn làm kinh tế; nhưng hiện nay, gia đình đã xây được nhà kiên cố, có nông cụ sản xuất, có trâu, gà, lợn và đã thoát nghèo… Chị Đán Thị Xuê, thôn Nà Giáo, xã Tùng Bá chia sẻ: “Trước đây gia đình khó khăn, con cái lại đang tuổi đi học, muốn phát triển kinh tế nhưng không thể xoay vốn. Từ khi 2 con của chị đi lao động theo chương trình của xã, cùng với việc duy trì cuộc sống; hàng tháng, các con đã tích lũy gửi về cho gia đình khoảng 5 – 6 triệu đồng. Từ nguồn vốn đó, gia đình đã đầu tư nuôi trâu, lợn, nấu rượu và mua thêm máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, gia đình chị Xuê đã có nhà xây kiên cố với tường rào bao quanh và có nguồn vốn tích lũy; giúp các con chị khi quay về làm việc và sinh sống ổn định tại quê nhà...”

Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, việc xuất khẩu lao động là hướng đi giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cũng như góp phần nâng cao trình độ để NLĐ trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế cũng như từng bước thay đổi nhận thức, đưa tiến bộ KH – KT vào sản xuất...


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập