Giáo dục

Giáo dục và Đào tạo Vị Xuyên đổi mới và phát triển

18/11/2022 15:33 148 lượt xem

        Trong suốt chặng đường 40 năm qua, các thế hệ nhà giáo Vị Xuyên đã phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến vì những thế hệ học trò. Sự lao động miệt mài của các thế hệ nhà giáo đã và đang góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện nhà đổi mới và phát triển.

Giáo dục và Đào tạo Vị Xuyên đổi mới và phát triển
Trường THCS Lý Tự Trọng – lá cờ đầu của Ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh và huyện.

        Năm học 1990-1991, toàn huyện mới huy động được 8.739 học sinh ra lớp, có 534 giáo viên; nhiều xã còn trắng về giáo dục, nhiều thôn bản chưa có lớp học. Vượt lên nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác, đến nay Vị Xuyên đã có có 82 cơ sở giáo dục và hơn 28.000 học sinh. “Cuộc chiến” xóa mù chữ và phổ cập giáo dục in dấu nhiều đảng viên, giáo viên năm xưa đã sớm giành thắng lợi. Năm 1992, toàn huyện còn 6.006 người trong độ tuổi chưa biết chữ, chiếm 40%. Vậy mà chỉ 5 năm sau (10/1997), Vị Xuyên đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục Tiểu học - xóa mù chữ và hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2010, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS vào năm 2003. Tháng 5/2014, Vị Xuyên hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi (về đích trước 01 năm so với kế hoạch). Nhà giáo Nguyễn Thị Nhật, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện, nguyên Trưởng Phòng GD&ĐT, nguyên Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch HĐND huyện xúc động chia sẻ: Đội ngũ cán bộ, giáo viên thế hệ trước rất vui mừng vì sự phát triển vượt bậc về số lượng của ngành giáo dục huyện nhà. Đây là niềm phấn khởi và tự hào đối với những người cựu giáo chức như chúng tôi

Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư

         Trong nhiều năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, nhiều thế hệ các nhà giáo, cán bộ, công chức ngành giáo dục huyện Vị Xuyên đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực phấn đấu thực hiện có hiệu quả những mục tiêu lớn về phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực: Quy mô trường lớp, học sinh phát triển tương đối ổn định;  huyện duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường luôn đạt và vượt kế hoạch. Cơ sở vật chất của các nhà trường đã được tỉnh, huyện, Sở GD&ĐT quan tâm đầu tư xây mới, tu sửa, cải tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về công tác dạy và học. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được quan tâm, trong năm học vừa qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây điểm trường, tu sửa trường lớp, hỗ trợ học bổng, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, nhu yếu phẩm sinh hoạt, đóng góp ngày công lao động với số tiền trên 25 tỷ đồng.

Điểm trường Lùng Vài, xã Thuận Hòa được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

      Các Đề án, mô hình điểm hoạt động hiệu quả đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn trong các nhà trường. Số lượng, chất lượng giải trong kì thi học sinh giỏi các cấp hàng năm tăng lên rõ rệt. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cấp THCS hàng năm, huyện Vị Xuyên luôn đứng trong tốp đầu về số lượng và chất lượng giải. Trong đó, trường THCS Lý Tự Trọng là Trường có nhiều học sinh đạt giải nhất trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: Trong những năm qua, nhà trường đã khẳng định được chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các kỳ thi học sinh giỏi và chất lượng thi đầu vào trường THPT chuyên. Nhà trường đã được trao tặng nhiều danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng, 2 lần được Thủ tưởng Chính phủ tặng cờ thi đua, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen và cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện. 

Khu vực gội đầu cho học sinh tại trường PTDTBT TH & THCS Lao Chải.

      Công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng được triển khai đồng bộ, giáo dục cho thiếu nhi về truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, về Bác Hồ kính yêu thông qua các phong trào, các cuộc thi. Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học đạt hiệu quả; Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh: 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã có kết nối internet, 100% các trường sử dụng phần mềm quản lý Vnptioffice và một số phần mềm thông dụng khác. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tạo đà thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn trong ngành giáo dục. Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, một số trường học xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến giúp học sinh tự học. Năm học này, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã và đang phát động Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường học. Toàn huyện có 21.520 đạt Gia đình học tập, 53/73 dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ học tập, 175/261 cộng đồng đạt danh hiệu Cộng đồng học tập, 104/104 đơn vị đạt đơn vị học tập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từng bước được xây dựng và củng cố. Thành quả của cuộc vận động xã hội hoá công tác giáo dục cùng với sự đầu tư của nhà nước đã làm thay đổi diện mạo các nhà trường, trong đó nổi bật là thành công trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia các bậc học theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá. Tính đến nay, toàn huyện đã có 42 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 07 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 

Hoạt động văn hóa truyền thống tại Trường THCS Ngọc Minh.

       Công tác đưa Văn hóa truyền thống vào giảng dạy được các trường học quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Tạo hứng thú học tập và bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, đã giáo dục cho học sinh hình thành cho sự phát triển đúng đắn về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng sống cơ bản, tạo nên thế hệ học sinh có nhân cách và biết bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

      Các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng như Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp", "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập"... đã thu hút nhiều tập thể và cá nhân tham gia với nhiều hình thức, sáng kiến, mô hình mới, tạo nên không khí thi đua sôi nổi giữa các nhà trường nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị, địa phương và toàn ngành. Trong các năm qua, nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Cờ thi đua, Bằng khen của UBND Tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và được trao tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú... Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục ngày càng lớn mạnh. Ở tất cả các cấp học, bậc học, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Bà Lê Thị Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vị Xuyên cho biết: Để thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học tăng cường thực hiện đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Thực hiện đổi mới công tác quản lý và đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, xây dựng trường học sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hoá truyền thống gắn với bài trừ các hủ tục lạc hậu vào trường học… 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện thăm khuôn viên trường Mầm non Thượng Sơn (mới đạt chuẩn Quốc gia mức độ I)

      Tính đến tính đến ngày 15/6/2022, toàn huyện có 2.351 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó, có 1964 người trình độ đại học trở lên, chiếm 91,2%. Đội ngũ nhà giáo ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, sáng tạo, đổi mới, tâm huyết với nghề. Trong 4 năm gần đây, có trên 300 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 22 giáo viên mầm non, 21 giáo viên tiểu học; 19 giáo viên cấp Trung học cơ sở; 19 giáo viên THPT được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 06 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên làm Tổng phụ trách đội giỏi cấp tỉnh; 05 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên Chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Bà Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên khẳng định: Ngành giáo dục và đào tạo huyện nhà đã có nhiều đổi mới và phát triển. Để đạt được những kết quả trên, UBND huyện Vị Xuyên đã tham mưu ban hành Đề án nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện; quan tâm tạo mọi điều kiện về nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học; kiện toàn đội ngũ quản lý các trường học; chỉ đạo Phòng GD&ĐT quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ..

Trường Tiểu học 1 – 5 Vị Xuyên nhìn từ trên cao.

     Có thể khẳng định cùng với sự đổi mới và phát triển của ngành giáo dục tỉnh Hà Giang, ngành Giáo dục và Đào tạo Vị Xuyên đã và đang có những bước tiến đáng ghi nhận, là một trong những đơn vị đi đầu trong tỉnh. Góp phần quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”, và đạo tạo nguồn nhân lực cho huyện nhà. Chúc các thầy cô giáo sức khỏe, hạnh phúc, thành công để tiếp tục thực hiện sứ mệnh vẻ vang và đáng tự hào mà Đảng, nhà nước đã giao cho./.

Ngọc Thơ

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập