Kinh tế

Hiệu quả mô hình cam vinh tại thôn Việt Thành

27/09/2018 00:00 62 lượt xem

Nhiều năm trở lại đây, người dân trên địa bàn xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Trong đó, cam Vinh là giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

       Gia đình bác Vũ Văn Luân thôn Việt Thành một hộ có thâm niên trồng cam hơn chục năm nay. Tuy nhiên, do sử dụng giống cam sành bản địa và chưa biết kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh nên vườn cam chỉ cho thu hoạch được 2-3 năm đầu, những năm sau cây cằn cỗi quả kém chất lượng, nhiều cây sâu bệnh không cho quả, gia đình đã chặt bỏ. Đến năm 2016, gia đình bác đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 300 gốc cam vinh trên diện tích 1ha đất vườn xen kẽ với cây chè, sau 2 năm trồng và chăm sóc cây đã cho thu hoạch ước đạt trên 1 tấn quả với giá bán hiện nay từ 25 – 30 nghìn đồng/1kg. Bác Vũ Văn Luân chia sẻ: “Qua xem sách báo, ti vi, nhận thấy cây cam Vinh là loại cây có giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với đồng đất địa phương nên tôi đã mua giống về trồng thử nghiệm. Sau hơn 2 năm trồng, cây cho lứa quả đầu tiên, quả to, ngọt đậm, mẫu mã đẹp nên năm tới tôi quyết định đầu tư mở rộng diện tích.”

 Những  trái cam vinh quả tròn đều, mọng nước cho hiệu quả kinh tế cao với giá bán từ 25 đến 30 nghìn đồng /1kg.

      Cam Vinh quả tròn đều, mọng nước, khi chín có vị ngọt mát, nhiều nước, bởi vậy được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt giá thành cao, thời gian cho thu hoạch ngắn nếu được chăm sóc tốt, lại chín sớm nên nhiều hộ gia đình tại thôn Việt Thành đang tích cực chuyển đổi sang trồng cây cam vinh. Cho đến thời điểm hiện tại, toàn thôn có trên 4ha trồng cây cam Vinh. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp, diện tích cam của thôn hiện được đánh giá là sinh trưởng, phát triển tốt. Với hiệu quả từ cây cam Vinh mang lại, đây là mô hình cần được nhân rộng để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn thôn Việt Thành. Đặc biệt hơn cả, nhiều hộ gia đình trong thôn Việt Thành đã đầu tư trồng cam Vinh với số lượng lớn, chăm sóc theo đúng qui trình khoa học kỹ thuật, theo tiêu chuẩn VietGap nên sau 2 năm đã cho thu hoạch, đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Ngọc Thắng trưởng thôn Việt Thành xã Việt Lâm cho biết: “ Nhằm phát huy thế mạnh, mở rộng diện tích trồng cây cam Vinh, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều hình thức hỗ trợ, qua đó tạo điều kiện cho người dân nắm bắt kỹ thuật để nâng cao chất lượng. Trong thời gian tới, thôn sẽ tiếp tục khuyến khích bà con tiếp tục mở rộng diện tích cây cam vinh. Đặc biệt là chuyển đổi diện tích những cây không hiệu quả cao sang trồng cam vinh, và chú trọng khuyến cáo bà con áp dụng trồng cam theo mô hình VietGap để tăng năng suất, sản lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế.”

     Việc triển khai mô hình trông cam Vinh tại thôn Việt Thành đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình đã góp phần thay đổi tư duy và nhận thức của người nông dân từ sản xuất theo kinh nghiệm, chuyên canh sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật, thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư vật tư, công sức, kinh phí cho vườn cây để có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng tới xây dựng vùng sản xuất cam Vinh mang tính hàng hóa, chất lượng tăng thu nhập ôn định cho người nông dân.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập