Văn hóa - Xã hội

Nghề làm Hương Tết của đồng bào Mông xã Minh Tân

21/01/2020 00:00 85 lượt xem

Tập tục thắp hương trên bàn thờ tổ tiên vào mỗi dịp lễ, Tết đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Hiện nay, nghề làm hương thủ công đã dần mai một, tuy nhiên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số của xã Minh Tân nói riêng, huyện Vị Xuyên nói chung, nhiều gia đình vẫn duy trì và giữ gìn được nghề làm hương truyền thống. Vừa dùng trong gia đình và đem bán để tăng thêm thu nhập, nhất là trong những ngày Tết đến, Xuân về.

       Chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng Chả Phừ, thôn Bản Phố. Đây là một trong số ít hộ còn duy trì nghề làm hương truyền thống tại địa phương. Khi chúng tôi tới nơi, cũng là lúc gia đình anh Phừ đang tất bật chuẩn bị làm mẻ hương mới để kịp mang xuống chợ bán trong dịp Tết này. Nguyên liệu chính để làm hương của đồng bào Mông nơi đây gồm có tre, bột Quế và bột lá cây Tiền. Trước tiên cần chọn những cây tre non, chẻ thành những thanh nhỏ, có chiều dài khoảng 40cm, vót nhẵn rồi hong trên gác bếp từ 3 - 4 ngày cho khô. Trong thời gian này, gia đình anh Phừ sẽ lên rừng để hái lá Tiền về phơi khô và xay thành bột, cùng với bột quế. Công đoạn hoàn thiện cây hương cần tới sự khéo léo, nhanh, dứt khoát của đôi bàn tay. Những bó tre khô được nhúng vào nước cho ướt đều và lăn qua bột cây Tiền vào 2/3, vừa đập nhẹ kết hợp với xoay vòng tròn để bột bám đều. Rồi lại nhúng nước và lăn qua bột quế, lặp đi lặp lại đủ 3 lần lăn qua bột lá Tiền, 2 lần bột quế là đã ra một cây hương thành phẩm có đường kính 0,5– 0,7cm. Công đoạn cuối cùng là phơi khô, nếu nắng thì phơi từ 1 ngày, còn mưa thì cho lên mái nhà, gác bếp sau 2-3 ngày là có thể dùng được. Anh Giàng Chả Phừ - thôn Bản Phố, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên chia sẻ: “ Nghề làm Hương quế này hai vợ chồng tôi được ông bà truyền lại cho đến nay đã là đời thứ ba rồi, gia đình tôi tách ra làm riêng được hơn 5 năm nay. Nguyên liệu làm hương chủ yếu lấy trên rừng về như tre, lá tiền, vỏ quế, tuy nhiên các công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu tới ra thành phẩm của que hương trải qua rất nhiều bước và công phu, đòi hỏi sự khéo tay và kiên trì của người làm. Hương thường được bán tại chợ phiên của xã, đặc biệt mỗi dịp Lễ Tết như thế này gia đình tôi sẽ tăng số lượng nhiều hơn vì nhu cầu người dân mua tăng cao. Thu nhập hàng tháng từ 3-4 triệu, giúp cải thiện cuộc sống và vợ chồng tôi sẽ tiếp tục nghề làm hương này để duy trì, giữ gìn nghề thủ công truyền thống của gia đình tôi.”

       Hương sau khi hoàn thành sẽ được bó thành từng bó với số lượng từ 20 - 40 que/bó. Ngoài dùng trong gia đình, hương sẽ được đem bán tại chợ Phiên của xã. Giá bán cũng chỉ ở mức từ 10 – 20 nghìn đồng/bó. Còn trong những ngày Lễ, Tết như thế này, số hộ làm hương tăng lên, giá cả cũng cao hơn chút so với ngày thường. Hương thủ công của người Mông nơi đây không ngâm, hóa chất và có mùi thơm đặc trưng của các hương liệu núi rừng Đông Bắc, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu. Chị Lộc Thị Sinh – Thôn Bắc Xum, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên cho biết: “ Đồng bào dân tộc tôi hay dùng những loại hương được làm thủ công như thế này, vì hương rất rất thơm,cháy đều, giá hương cũng phù hợp với túi tiền. Hơn nữa hương làm thủ công rất đảm bảo với sức khỏe vì đều là những nguyên liệu thiên nhiên. Dịp Tết này tôi mua nhiều hương hơn để về thắp cúng ông bà tổ tiên phù hộ năm mới mùa màng bội thu, nhiều may mắn, sức khỏe.”

Các hộ làm hương bày bán sản phẩm tại chợ phiên xã Minh Tân

       Hiện toàn xã Minh Tân được biết chỉ còn hơn 10 hộ làm hương thường xuyên, chủ yếu là những người lớn tuổi. Do nghề này làm thủ công rất công phu, tỷ mỷ, thu nhập từ bán hương lại không cao, nên nhiều người trẻ không còn mặn mà để nối nghiệp, duy trì. Mặc dù có dấu hiệu bị mai một nhưng chính quyền xã luôn vận động, tuyên truyền cho các gia đình có nghề làm hương tiếp tục khôi phục và duy trì, phát triển để gìn giữ một nghề thủ công truyền thống đặc sắc của địa phương. Ông Phàn Văn Dùi – Phó chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên cho biết: “ Qua rà soát và nắm bắt hiện số hộ còn giữ nghề làm hương trên địa bàn xã không còn nhiều, chủ yếu là những hộ đã có nghề từ lâu đời, cha truyền con nối. Mặc dù trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hương làm công nghiệp với giá rẻ, nhưng phong tục của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Minh Tân vẫn quen thắp hương được làm thủ công, nên nghề làm hương thủ công của xã vẫn được nhiều hộ duy trì và đem lại nguồn thu nhập đáng kể lúc nông nhàn. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ có nghề làm hương tiếp tục duy trì, truyền lại cho thế hệ trẻ để có thể lưu giữ lại nghề thủ công truyền thống của địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.”

      Nghề làm hương của đồng bào dân tộc Mông ở Minh Tân vẫn còn được nhiều hộ dân duy trì cho đến ngày nay, tuy không có giá trị cao về kinh tế, nhưng cũng góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình và phục vụ cho nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng phản ánh trình độ lao động sản xuất và gìn giữ nét văn hóa đặc sắc trong ngành nghề thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Vị Xuyên./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập