Kinh tế

Vị Xuyên tăng cường ngăn chặn sâu bệnh hại cây trồng

22/04/2020 00:00 38 lượt xem

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Vị Xuyên xuất hiện sâu bệnh gây hại trên cây trồng, như: Đạo ôn, rầy nâu, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô vụ Đông - xuân... Để giảm thiểu thiệt hại do bệnh hại gây ra, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn có giải pháp phòng, chống kịp thời, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định.

 Đồng chí Lê Thị Thiết, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Vụ Đông - xuân 2020, huyện gieo trồng được 1.831,8 ha lúa và 3.397,9 ha ngô. Cây lúa trà sớm đang giai đoạn kết thúc đẻ nhánh, làm đòng; trà muộn đang đẻ nhánh rộ thì xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại ở địa bàn các xã vùng thấp. Qua kiểm tra có 3,6 ha nhiễm nặng, cháy lụi, trong đó:  Đạo Đức 2 ha, Thuận Hòa 0,7 ha, Tùng Bá 0,1 ha, Linh Hồ 0,1 ha, Việt Lâm 0,2 ha, Kim Thạch 0,5 ha. Giống bị nhiễm chủ yếu là DS1, DS3, J02, Đài thơm, LTH31... Ngoài bệnh đạo ôn còn có bệnh rầy nâu với mật độ hại rải rác phổ biến từ 5 - 40 con/m2; bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại cục bộ trên một số diện tích lúa. Đối với cây ngô có bệnh sâu keo mùa thu gây hại rải rác, mật độ nhẹ trung bình 0,3 - 1con/m2, điểm cao có từ 1- 2con/m2 gây hại ở trà ngô muộn (6 - 7 lá) tại các xã Phong Quang và thị trấn Vị Xuyên.

Chị Nguyễn Thị Thu, thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức cho biết: “Vụ Đông - xuân năm nay, gia đình trồng hơn 2.500 m2 lúa J02. Mặc dù gia đình có đi thăm đồng, phát hiện bệnh hại sớm nhưng do thời tiết diễn biến thất thường nên việc phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh không mang lại hiệu quả. Đến nay, đã phun tới lần thứ 3 mà sâu bệnh hại vẫn còn”. Cũng như chị Thu, gia đình anh Nguyễn Văn Khai cùng thôn với chị Thu có 1.700 m2 lúa bị bệnh khô vằn gây hại, qua 2 lần phun thuốc nhưng chưa đủ thời gian cho sâu chết thì trời lại mưa, nên thuốc cũng không có tác dụng nhiều, hiện chỉ chờ thời tiết tạnh mưa, ấm nên để phun thuốc tiếp thì mới giữ được diện tích lúa đã trồng.

Để kịp thời phòng, chống dịch bệnh gây hại trên lúa, ngô, các đơn vị liên quan như Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật huyện và các xã, thị trấn đã cử cán bộ xuống tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên thăm đồng, tranh thủ thời tiết khô ráo tiến hành phun thuốc. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn ứng thuốc bảo vệ thực vật Filia, FuJione tại Chi nhánh Vật tư nông, lâm nghiệp huyện để cấp cho các hộ phun; ngoài ra các hộ đã chủ động mua, phun thuốc đến lần thứ 4 và tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh.

Hiện tại, đối với bệnh sâu keo mùa thu trên cây ngô đã được khống chế; bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy nâu trên cây lúa vẫn diễn biến rất phức tạp. Mặc dù ngành chuyên môn đã tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, thông báo kịp thời, nhưng một số xã còn chủ quan; người dân chưa tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn. Tại các xã: Việt Lâm, Đạo Đức, Phú Linh, Tùng Bá người dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, mua thuốc, không theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp nên xảy ra hiện tượng sử dụng không đúng thuốc, trộn nhiều loại thuốc phun chung trong một bình dẫn đến vừa lãng phí, vừa không trị được bệnh.

Để đảm bảo vụ Đông - xuân đạt năng suất, sản lượng cao nhất, các đơn vị liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn và nông dân cần tăng cường theo dõi diễn biến sâu bệnh hại, thăm đồng thường xuyên; ngoài bệnh đạo ôn cần lưu ý bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên lúa, bệnh nấm khô vằn ở ngô để triển khai các biện pháp phòng trừ hiệu quả, người dân cần tuân thủ đúng các nguyên tắc khi phun thuốc để tránh gây lãng phí, diệt trừ sâu bệnh hại triệt để hơn.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập