Kinh tế

Vị Xuyên: Tập trung mở rộng diện tích trồng rau an toàn

21/08/2018 00:00 73 lượt xem

Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang trở thành mối quan tâm của người tiêu dùng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu rau an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và tăng thu nhập cho nông dân. Huyện Vị Xuyên đang tiến hành mở rộng thêm diện tích trồng rau an toàn trong nhà lưới, đồng thời áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

         Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới được huyện Vị Xuyên triển khai thực hiện từ năm 2016 với diện tích 4.300 m2 tại hai HTX Tân Đức, Đạo Đức và HTX rau Học Lập, thị trấn Vị Xuyên. Qua gần 3 năm, đến nay diện tích toàn huyện đã được mở rộng lên đến hơn 30.100 m2, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 5.100 m2 nhà lưới được dựng mới, hiện toàn huyện có 24 nhà lưới, tại 14 thôn, tổ trên địa bàn toàn huyện. Những loại nông sản được bà con chọn trồng trong nhà lưới đều có giá trị kinh tế cao như: Dưa lưới, cà chua, ớt chuông, rau thủy canh, trồng hoa và các loại rau trái vụ.... So với cách trồng rau truyền thống trên cùng đơn vị diện tích, trồng rau trong nhà lưới có thể tăng từ 3% - 5% sản lượng, lượng thuốc BVTV cũng giảm từ 2 - 3 lần phun/vụ. Không những thế, ưu điểm của mô hình là tăng được số vòng quay thời vụ cho rau ăn lá từ 5 vụ/năm lên 10 vụ/năm, có thể trồng rau quanh năm, trồng rau trái vụ, ngay cả vào mùa mưa nên đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cách trồng rau truyền thống từ 5 đến 7 triệu đồng/1000m2. Ông: Trần Mạnh Tuyên – Trưởng phòng nông nghiệp huyện Vị Xuyên cho biết: “ Định hướng phát triển nông nghiệp sạch – hàng hóa đang được huyện tích cực phát triển trong những năm tới. Do đó, phòng đã có kế hoạch cụ thể tham mưu cho huyện để tiếp tục có những cơ chế phù hợp khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi sang thâm canh rau an toàn trong nhà lưới để tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao thu nhập. Trong năm 2018 huyện phấn đấu tăng thêm 2,5ha diện tích rau trong nhà lưới, hỗ trợ 70% chi phí xây dựng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân và tập huấn cho nhân dân về cách trồng, chăm sóc rau, hoa trong nhà lười sao đạt được hiệu quả tốt nhất.”

           Mô hình trồng Dưa trong nhà lưới của bác Đoàn Công Oánh - Thành viên HTX rau an toàn Tân Đức, xã Đạo Đức là một điển hình tiêu biểu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Với hơn 3.800m2 nhà lưới, bác Oánh trồng trên 2.500 gốc dưa kim cô nương, dưa Hoàng đế, dưa lưới trên giá thể, cùng hệ thống tưới nước, phân nhỏ giọt kỹ thuật cao, dẫn nước và dinh dưỡng trực tiếp đến từng gốc dưa theo đúng liều lượng, yêu cầu và hoàn toàn tự động nên tiết kiệm được chi phí, công sức lao động. Mỗi vụ chỉ mất 3 tháng từ lúc trồng tới khi thu hoạch, trung bình một gốc Dưa cho 1 đến 2 quả, nặng từ 1,2 đến 1,8 kg/quả. Với giá bán ra thị trường khoảng 40 - 50.000đ/kg, một năm 3 vụ giúp gia đình bác Oánh cho thu nhập đến hàng trăm triệu đồng. Bác Đoàn Công Oánh – HTX rau an toàn Tân Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên chia sẻ: “ 2 năm trước tôi được nhà nước hỗ trợ làm 2000m2 nhà lưới, đến thời điểm này tôi đã mở rộng lên hơn 5000m2, tôi đều ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất rau và dưa lưới; với hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, trồng dưa trên giá thể hay thủy canh đều mang lại giá trị và sản lượng tốt. Rau trong nhà lưới giảm tối da lượng thuốc BVTV, ít sâu bệnh hại nên hoàn toàn đảm bảo sức khỏe cho chính người sản xuất và người tiêu dùng. Trừ chi phí mỗi năm cũng cho thu nhập trên trăm triệu đồng.”

      Có thể nhận thấy hướng phát triển trồng rau an toàn trong nhà lưới là điều tất yếu và cần thiết để giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Vị Xuyên đạt hiệu quả. Lợi ích về sản xuất, giá trị bền vững về kinh tế đã dần được khẳng định rõ nét. Bên cạnh đó tạo ra sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng, sạch và an toàn, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Hy vọng rằng, trong thời gian tới huyện Vị Xuyên sẽ tiếp tục có những chính sách, cơ chế mở nhằm hỗ trợ nhân dân an tâm đầu tư mở rộng diện tích nhà lưới để sản xuất, tạo thành vùng rau chuyên canh theo hướng an toàn, tạo lập thương hiệu, cải thiện đời sống cho người dân và góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập