Kinh tế

Vị Xuyên phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị

14/09/2023 14:24 143 lượt xem

            Với mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.130 tỷ đồng; 70% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được liên kết, hợp tác sản xuất; 100% sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và trên 80% sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn... Vị Xuyên đang hướng đến nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, hiệu quả, bền vững theo chuỗi giá trị.

Vị Xuyên phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Người dân xã Cao Bồ chăm sóc Thảo quả.

         Trước năm 2020, mặc dù phát huy lợi thế, vận dụng linh hoạt chủ trương, chính sách của T.Ư, tỉnh về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, xây dựng hệ thống nhà lưới, kiên cố hóa kênh mương, phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: Cam, chè, Thảo quả, rau quả an toàn, cải tạo vườn tạp, phát triển sản phẩm OCOP, chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung với thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa chưa cao; thu nhập trên đơn vị diện tích chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm nông nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu. Đặc biệt, hoạt động dịch vụ, tiêu thụ nông sản chưa phát triển mạnh, vai trò liên kết của các doanh nghiệp, HTX chưa phát huy hiệu quả.

         Thực tế trên đặt ra nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cho Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát huy cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, lợi thế so sánh, đặc trưng của huyện để tập trung phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Theo đó, BCH Đảng bộ huyện ban hành nghị quyết chuyên đề; các chương trình, phương án, đề án, kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác giữa “4 nhà”; ưu tiên lồng ghép nguồn lực đầu tư; phát triển mạnh chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại; cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu gắn với xây dựng Nông thôn mới.

        Lựa chọn xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị gồm: Chè Shan tuyết, Thảo quả, cam, gừng, quế, nghệ. Sau nửa nhiệm kỳ đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đến nay, diện tích cây chè Shan tuyết VietGAP, hữu cơ đạt 2.743 ha, năng suất đạt 30,5 tạ/ha, sản lượng 8.366 tấn, doanh thu đạt trên 167,3 tỷ đồng, có 10 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến chè theo chuỗi giá trị. Đối với chuỗi giá trị Thảo quả đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, diện tích cho thu hoạch trên 2.700 ha, năng suất đạt 7 tạ/ha, sản lượng gần 2 nghìn tấn, doanh thu trên 34,7 tỷ đồng; hiện tại HTX Khởi nghiệp Hữu Nghị đang tham gia liên kết sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Thảo quả cho người dân. Chuỗi giá trị cây gừng được thực hiện từ năm 2022 với diện tích 3,9 ha, năng suất đạt 200 tạ/ha, sản lượng 78 tấn, giá trị sản xuất đạt 780 triệu đồng, HTX Dược liệu Sơn Ý đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gừng cho người dân. Đặc biệt, một trong những phong trào trồng rừng gắn với phát triển dược liệu đang được người dân triển khai mạnh mẽ là phong trào trồng quế. Đối với chuỗi giá trị cây quế, huyện đã ban hành đề án, giao chỉ tiêu và chỉ đạo quyết liệt các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện, liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu. Đến nay, diện tích quế đạt trên 2.620 ha, một số diện tích quế trồng trước năm 2020 hiện đã cho thu hoạch với giá bán khoảng 56 triệu đồng/tấn vỏ quế khô, giúp người dân nâng cao thu nhập.

         Bên cạnh đó, các xã, thị trấn lựa chọn phát triển các cây, con phù hợp với điều kiện từng địa phương, như: Phát triển rau trong nhà lưới với diện tích đạt 28.514 m2/30 nhà/26 hộ, liên kết trồng mía xuất khẩu thực hiện 97,68 ha; liên kết thực hiện 100 ha lúa thuần chất lượng cao, trồng cây cỏ ngọt, lạc, cam Sành, nhãn, Thanh long, Ba kích, Sa nhân, na, Khôi nhung, Sâm khoai, Bí xanh, Dưa lưới, Bí đỏ, chăn nuôi bò, vịt Bầu, ốc Nhồi, dê. Toàn huyện có 28 trang trại, 50 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với nhiều mô hình chăn nuôi tiêu biểu, sản lượng sản phẩm thịt hơi xuất chuồng năm 2022 đạt 9.413 tấn. Một số sản phẩm đã được quy hoạch, phân vùng nguyên liệu cho các đơn vị tham gia liên kết sản xuất và được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; có 23 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Qua đó, giúp sản xuất nông nghiệp khởi sắc. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2020, đạt 91,3% so với mục tiêu Nghị quyết; tổng sản lượng lương thực thu hoạch hàng năm đạt trên 57.000 tấn; giá trị thu nhập bình quân sản phẩm/ha đất trồng cây hàng năm đạt 71,5 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,7%; nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được liên kết, quảng bá, tiêu thụ bằng nhiều kênh phân phối khác nhau, trong đó có 16 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.

        Bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, thách thức; số lượng doanh nghiệp, HTX tham gia vào chuỗi giá trị còn ít; thị trường chưa ổn định; diện tích sản xuất chưa tập trung theo vùng nguyên liệu. Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, các đại biểu đã phân tích rõ nguyên nhân, thẳng thắn nhận diện “rào cản” và đề xuất những việc cần làm ngay để “về đích” mục tiêu nghị quyết, trong đó chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao KHKT cho đội ngũ cán bộ khuyến nông; lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia và các chính sách của T.Ư, tỉnh để hỗ trợ người dân đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; mời gọi, thu hút doanh nghiệp, HTX tham gia vào chuỗi giá trị; phát triển các chuỗi giá trị mới hợp hợp với điều kiện thực tế; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm; hình thành vùng liên kết xản xuất giữa các địa phương; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại.

       Cùng với các địa phương trong tỉnh, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo sinh kế và giảm nghèo bền vững cho người dân. Vì vậy, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị tiếp tục là nhiệm vụ chín trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, HTX và người dân để xây dựng “Tam nông” Vị Xuyên thịnh vượng.

Báo Hà Giang

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập