Văn hóa - Xã hội

Xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên xây dựng nhiều cầu dân sinh từ nguồn xã hội hóa

24/01/2024 10:34 64 lượt xem

             Trong 2 năm qua, nhiều cây cầu dân sinh trên địa bàn xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên đã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, góp phần giúp người dân vùng cao đi lại thuận lợi, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.

Xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên xây dựng nhiều cầu dân sinh từ nguồn xã hội hóa
Cây cầu mới tại Thôn Thác Hùng, xã Cao Bồ vừa khánh thành trong tháng 01/2024

            Xã Cao Bồ có 11 thôn bản, các thôn bản đều nằm trên các đồi núi cao và được chia cắt bởi những con suối, đi lại rất khó khăn khi mùa mưa lũ. Để đi qua suối, người dân phải tự làm cầu, bằng các loại cây gỗ, cây tre, cây vầu… Nên năm nào người dân cũng phải tự làm cầu, sửa cầu. Đặc biệt trong mùa mưa lũ, có những cây cầu vừa làm xong được vài ngày thì lại bị nước cuốn trôi. Dẫn đến người dân gặp khó khăn trong giao thương trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế. Trong 2 năm qua, xã Cao Bồ đã kết nối với các nhà hảo tâm, để xây dựng được nhiều cây cầu từ nguồn xã hội hoá, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả trong năm 2023, xã đã kết nối với các nhà hảo tâm, nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh đến tài trợ để giúp xã xây dựng được 4 cây cầu dân sinh, bằng bê tông cốt thép, cho các thôn bản, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Ông Đặng Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Cao bồ chúng tôi còn khoảng 10 cây cầu tạm được làm bằng gỗ, tại các thôn như: Bản Dâng, Chất Tiền, Tham Còn, Gia Tuyến và thôn Khuổi Luông. Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023. Năm 2024, xã Cao Bồ chúng tôi tiếp tục kết nối, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến hỗ trợ vốn giúp xã chúng tôi. Nếu được trong năm 2024 này, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng thêm 3 cây cầu nữa cho các thôn.

Những cây cầu tạm qua suối tại xã Cao Bồ cần được thay thế bằng những cây cầu bê tông cốt thép vững chắc.

            Sau khi được các nhà hảo tâm hỗ trợ vốn để mua vật liệu, xi măng sắt thép, thì các hộ gia đình trong các thôn bản, rất vui mừng, đồng thời sẵn sàng đóng góp ngày công lao động và một số vật liệu xây dựng như cây trống, cốt pha. Từ nguồn hỗ trợ, phần lớn các cây cầu đều được người dân trong các thôn, bản tự xây dựng, nên chất lượng cũng như tiến bộ đảm bảo, mỗi cây cầu chỉ xây dựng trong 2 đến 5 tháng đã xong và đưa vào sử dụng. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cùng với đóng góp ngày công lao động của bà con trong các thôn bản, đã nhanh chóng tạo ra những cây cầy rất có nghĩa, đem lại nhiều niềm vui cho bà con. Bà Đặng Thị Vai, thôn Thác Hùng, xã Cao Bồ vui mừng tâm sự: Trước đây chưa có cây cầu này, chúng tôi đi lại rất là vất vả, mùa mưa lũ thì không thể đi qua lại được, còn mùa đông thì đi qua rất là lạnh. Nay được các nhà hảo tâm đến giúp thôn chúng tôi xây dựng được cây cầu này, chúng tôi rất vui và cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp thôn chúng tôi.  

          Với nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, được đầu tư xây dựng cầu tại các thôn, bản người dân trực tiếp được hưởng lợi, nên họ tham gia nhiệt tình về ngày công lao động và sẵn sàng đóng góp thêm các vật liệu xây dựng. Cách làm này vừa nhanh, hiệu quả và hạn chế tối đa nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vừa phát huy nội lực của người dân, gắn kết cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thay đổi diện mạo nông thôn.

Vi Quyền

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập