Chính trị

Đảng bộ huyện Vị Xuyên dấu ấn một nhiệm kỳ

22/06/2015 00:00 109 lượt xem

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII ( nhiệm kỳ 2010 - 2015 ), xác định chủ đề là " Đoàn kết - đổi mới - sáng tạo - hội nhập - phát huy mọi nguồn lực để phát triển bền vững" Với truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó đi lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Vị Xuyên đã quyết tâm đổi mới thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, giành được những thành tựu đáng khích lệ, tạo dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần tô đẹp và nâng cao vị thế của huyện nhà.
Vị Xuyên là huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang với tổng diện tích tự nhiên trên 1.500 km2,  được chia làm 24 đơn vị hành chính, 261 thôn bản, tổ dân phố, dân số trên 9,8 vạn người, với 18 dân tộc anh em cùng chung sống, có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên phong phú và đa dạng. Là huyện động lực của tỉnh, Vị Xuyên luôn nhận được sự quan tâm của Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, Ban, Ngành của tỉnh. Nhiệm kỳ qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đã phát huy truyền thống anh hùng, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, khai thác và phát huy thế mạnh tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, kinh tế biên mậu được chú trọng; thu thuế và phí đạt 130 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 19,22 triệu đồng. Văn hóa xã hội có những bước chuyển biến tích cực, công tác giáo dục, đào tạo phát triển nhanh và mang tính toàn diện hơn, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên; giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và dạy nghề cho người lao động được chú trọng quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đường biên mốc giới được giữ vững và ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đổi mới phương thức hoạt động, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc.
          Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện có hiệu quả Đề án về sản xuất lúa, ngô hàng hóa, tổ chức lại sản xuất, đột phá về thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ với các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng sản xuất lúa, ngô chất lượng cao, sản xuất vụ đông, dồn điền đổi thửa... Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh cơ giới hóa, cải tạo đất, thủy lợi, cho vay tái đầu tư có thu hồi, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân...; giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 60 triệu đồng. Diện tích lúa ổn định là 6.574 ha, sản lượng 37.720 tấn; diện tích ngô là 4.660 ha, sản lượng 15.780 tấn; Diện tích đậu tương trên 300ha, sản lượng 310 tấn. Huyện đã hình thành vùng lạc hàng hóa tập trung, diện tích 1.100ha, sản lượng đạt 2.000 tấn. Tổng sản lượng lương thực đạt 53.500 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 510,9 kg. Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả; quy hoạch và đầu tư hai vùng chè chính: chè hữu cơ vùng cao sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu với các xã như Cao Bồ, Thượng Sơn; chè vùng thấp Thị trấn Việt Lâm, xã Việt Lâm, xã Trung Thành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tổng diện tích chè là 3.534ha, trong đó diện tích trồng mới 500 ha. Diện tích cao su là 500ha. Thực hiện Đề án khôi phục giống cam sành địa phương và nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển cây ăn quả; liên kết với công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao trồng thí điểm 50ha chanh leo tại 3 xã  Trung Thành, Ngọc Linh và Bạch Ngọc cây phát triển tốt đã cho thu hoạch, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế, ngoài ra huyện còn triển khai thí điểm một số mô hình như mía đường, thanh long ruột đỏ, dưa hấu, cây sơn trên địa bàn. Tổng diện tích cây ăn quả là 1.000ha, tổng sản lượng đạt 2.641 tấn. Hình thành vùng cây dược liệu tại các xã vùng cao của huyện như phát triển cây thảo quả với diện tích 2.966 ha, năng suất bình quân đạt 7,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.154,2 tấn, giá trị khoảng 49 tỷ đồng. Lĩnh vực lâm nghiệp thực hiện Đề án trồng rừng kinh tế, bảo vệ phát triển rừng đầu nguồn, rừng cảnh quan, nâng diện tích rừng trồng mới lên 13.164 ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 68%, công tác bảo vệ, phòng chống, chữa cháy rừng  thường xuyên được quan tâm, giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 20 triệu đồng/ha. Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã chú trọng phát triển theo hướng hàng hóa, ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện còn có cơ chế hỗ trợ vốn, giống, xây dựng chuồng trại với kinh phí hỗ trợ trên 5,8 tỷ đồng. Công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh được quan tâm; phát triển mạnh mô hình chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ. Tổng đàn trâu, bò 38.000 con; đàn lợn 70.000 con, số lượng trang trại phát triển nhanh, một số trang trại quy mô lớn từ 2.000 đến 3.000 con; phát triển nuôi gà bán chăn thả, tổng đàn gia cầm 620.000con; diện tích nuôi trồng thủy sản 350 ha, sản lượng đạt 420 tấn/năm.
          Chương trình xây dựng nông thôn mới; Ban chấp hành Đảng bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và Đề án về xây dựng nông thôn mới, bố trí lồng ghép các nguồn vốn, phát huy nội lực để thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, cùng với đó phát động các phong trào như: Phong trào chung tay XDNTM; phong trào “ nhà sạch vườn đẹp” “Dân vận khéo”; phong trào làm đường giao thông nông thôn.. vân vân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Qua triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, kết quả nhân dân đã hiến trên 219.000 m2 đất để làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi; 165.241 ngày công; mở mới 50km đường giao thông nông thôn; làm mới 107 km đường bê tông các loại; 26.000m2 sân bê tông; xây dựng, tu sửa 80 hội trường thôn ….Hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, điện sinh hoạt đảm bảo tiêu chí NTM. Trong quá trình thực hiện cũng đã xuất hiện nhiều cách làm mới làm hay và sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương như: mô hình phát triển kinh tế theo nhóm sở thích, mô hình Hội đồng quản lý và phát triển thôn; mô hình chăn nuôi trang trại...vân vân. Với những kết quả đó năm 2014 xã Việt Lâm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là xã đầu tiên trong toàn tỉnh hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định với sự vào cuộc quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân Chương trình XDNTM đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rõ nét Đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
          Nhiệm kỳ qua cùng với việc phát huy có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước theo các trương trình, dự án, huyện Vị Xuyên đã chú trọng đến việc phát huy nội lực trong nhân dân để đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở như: đường giao thông; chợ nông thôn; các công trình thủy lợi; xây dựng nhà lớp học, nhà văn hóa thôn bản; hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, theo phương trâm nhà nước và nhân dân cùng làm; trên 60 % thôn có đường ô tô đến trung tâm, làm mới 3 tuyến đường nhựa với chiều dài 57,5 km, nâng tổng số đường nhựa toàn huyện là 308,5 km. Xây dựng 34 cầu, nâng tổng số cầu các loại là 134 cầu, nâng cấp, bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng giữa hai thị trấn và trung tâm một số xã. Lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại dịch vị huyện đã có nhiều cơ chế thông thoáng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tới đầu tư vào địa bàn, nhất là lĩnh vực khai khoáng, chế biến nguyên liệu, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, du lịch...  huyện đã xây dựng Đề án phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và khai khoáng. Giá trị đạt trên 1.453 tỷ đồng. Tập trung vào các lĩnh vực như thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông lâm sản; 4/15 dự án thủy điện được quy hoạch đã hoàn thành đi vào hoạt động, sản lượng điện hàng năm đạt trên 200 triệu KWh. Hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn I và xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư khu công nghiệp Bình Vàng, 5/12 dự án đã đi vào hoạt động. Khai thác quặng tại 9/24 điểm mỏ, chủ yếu là chì, kẽm, man gan; sản lượng khoáng sản sơ chế ước đạt trên 400.000 tấn/năm, giá trị đạt trên 466,6 tỷ đồng. Thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, các chợ nông thôn, chợ biên giới được mở rộng và hoạt động sôi động, hàng hóa phong phú. Toàn huyện có 21/24 chợ đang hoạt động 2.434 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Thanh Thủy, lối mở Mốc 238 xã Lao Chải đạt 161 triệu USD, hàng hóa tạm nhập tái xuất hàng năm đath 40 triệu USD. Giá trị thương mại - dịch vụ tăng trưởng mạnh, đạt 1.206 tỷ đồng. Hiện nay toàn huyện có 48 doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả giải quyết việc làm cho 1.800 lao động. Ngoài ra huyện còn có 118 hợp tác xã, 41 tổ hợp tác hoạt động với tổng số vốn đăng ký lên đến 250 tỷ đồng. Phát triển hai làng nghề; chổi chít thị trấn Việt Lâm và Dệt thổ cẩm xã Cao Bồ. Hoạt động của các thành phần kinh tế đã tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Công tác giáo dục - đào tạo luôn được quan tâm, huyện đã xây dựng Đề án đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động" hai không" do bộ giáo dục phát động, Chỉ đạo xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình " Nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh". Từ lớp chất lượng cao, huyện đã thành lập được trường chất lượng cao của huyện, chất lượng giảng dạy, học tập ở các bậc học, ngành học đã từng bước được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt và vượt mục tiêu, trẻ từ 0 đến 2 tuổi đạt 45 %; từ 3 đến 5 tuổi đạt 98,5 %; 6 đến 14 tuổi đạt 99,5 %. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được tăng cường, 99,9 % giáo viên đạt chuẩn, 54,1% trên chuẩn. 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, có 18 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Công tác xã hội hóa giáo dục, hoạt động khuyến học khuyến tài phát triển mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và bồi dưỡng nhân tài.
 Lĩnh vực văn hóa, thể thao - du lịch, thông tin, truyền thông; Phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được duy trì và nâng cao, đến nay 30,7% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận làng văn hóa, 67,3 % đạt gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 78%. Thực hiện Đề án phát triển văn hóa gắn với du lịch sinh thái, tâm linh bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa như: Di tích khảo cổ Chùa nậm dầu, chùa bình lâm, chùa sùng khánh. Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái như: Làng văn hóa du lịch tiêu biểu thôn thanh sơn xã thanh thủy; thôn bản bang xã đạo đức; du lịch khám phá hang đán poóng xã Bạch ngọc, hang Tùng bá suối nước nóng xã quảng ngần... Phong trào rèn luyện thể dục, thể thao văn hóa văn nghệ phát triển mạnh, hầu hết các thôn, bản đều có đội văn nghệ quần chúng và thể thao. Công tác thông tin - truyền thông được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.  Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm, các mục tiêu, chương trình y tế Quốc gia thực hiện có hiệu quả, hiện toàn huyện có 15 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,4 %.
Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và dạy nghề triển khai thực hiện có hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho 8.966 lao động; đào tạo nghề ngắn hạn cho 8.560 lao động; hỗ trợ xóa nhà tạm và sửa chữa nhà ở cho 2.451 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15%. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Các chương trình hỗ trợ sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ nét. Về quốc phòng – an ninh, được triển khai đồng bộ, toàn diện, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân không ngừng được củng cố, tăng cường. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tăng cường tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Về công tác đối ngoại là huyện có tuyến biên giới giáp với huyện MALYPHO Trung Quốc, trong những năm qua nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, huyện đã tăng cường quan hệ hợp tác, xúc tiến thương mại, phối hợp thực hiện đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới đặc biệt là phòng chống tội phạm ma túy và buôn lậu.
Một trong những nhân tố tạo nên sự thành công của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ qua đó là công tác xây dựng Đảng. Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, củng cố tổ chức cơ sở Đảng cả về số lượng và chất lượng. Thông qua việc củng cố tổ chức cơ sở đảng, bồi dưỡng giáo dục chính trị cho cán bộ đảng viên đã góp phần nâng cao năng lực điều hành và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Phát huy vai trò tích cực của MTTQ và các đoàn thể Hiện nay Đảng bộ huyện có 88 tổ chức cơ sở đảng, 412 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số 7.033 đảng viên. Các tổ chức cơ sở Đảng thường xuyên được củng cố kiện toàn, chất lượng đảng viên được nâng lên. Đảng bộ 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh. Công tác công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra trong Đảng được tăng cường. triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI " Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Chỉ thị 03 - CT/ TW Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Đề án số 06 của Tỉnh ủy về " Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ công chưc, viên chức và nhân dân tỉnh Hà Giang trong tình hình mới"; Đề án 145 của Ban  Thường vụ Tỉnh ủy về " Nâng cao nang lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của các đảng ủy cơ sở vùng nông thôn Hà Giang", đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt trong công tác cán bộ trú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nữ và cán bộ dân tộc thiểu số. Tích cực đổi mới và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ các cấp.
Có thể khẳng định trong nhiệm kỳ qua với truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực để phát triển bền vững, đã giành được những thành tựu quan trọng tạo dấu ấn trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần tô đẹp và nâng cao vị thế của huyện nhà. Phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện tin tưởng vững vàng bước vào nhiệm kỳ mới, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, tự chủ, sáng tạo, vượt khó đi lên, tạo thế và lực, để đưa nền kinh tế - xã hội của huyện phát triển toàn diện và bền vững, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Để xây dựng quê hương Vị Xuyên ngày càng giàu đẹp văn minh, luôn xứng đáng là huyện động lực kinh tế xã hội của tỉnh ./.
 
 

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập