An toàn thực phẩm

Cá Bỗng Vị Xuyên được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý

20/08/2021 00:58 219 lượt xem

   Cá bỗng được biết tới là một trong những loài cá đặc sản, được nhiều hộ dân ở huyện Vị Xuyên nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung nuôi nhiều. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00105 cho sản phẩm cá bỗng Hà Giang, trong đó Vị Xuyên có 10 xã được chỉ dẫn địa lý, mở ra những triển vọng nâng cao giá trị cho cá bỗng, hướng tới trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho nhân dân các địa phương.

Cá Bỗng Vị Xuyên được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý
Mô hình nuôi cá Bỗng thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Môn, thôn Dưới, xã Việt Lâm.

    Tận dụng diện tích đất vườn nhà rộng rãi cùng nguồn nước sạch mát, dồi dào kéo từ trên núi về, gia đình ông Nguyễn Văn Môn, thôn Dưới, xã Việt Lâm đã đào ao, nuôi thả cá Bỗng hơn 10 năm nay. Trước đây, cá Bỗng được nuôi chủ yếu để cải thiện bữa ăn gia đình và làm cỗ mỗi dịp lễ, Tết. Nhưng những năm gần đây, do nhu cầu thị trường về loại cá đặc sản này tăng cao. Nên gia đình ông Môn đã mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi thả để bán ra thị trường, nhất là phục vụ cho các nhà hàng, quán ăn tại địa phương và thành phố Hà Giang.  Ông Môn chia sẻ: “Người Tày chúng tôi đã nuôi cá Bỗng từ thời ông bà ngày xưa rồi. Trước thì không có nhiều loại cá đâu, chỉ nuôi cá Bỗng này thôi. Đến nay, thấy nhu cầu của thị trường về loại cá này tăng cao, nên gia đình tôi đã mở rộng diện tích để nuôi thả, giúp tăng thu nhập đáng kể .”

     Việt Lâm là xã vùng thấp của huyện Vị Xuyên, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Từ bao đời nay, người Tày ở Việt Lâm có phong tục, tập quán xây dựng nhà sàn và đào ao nuôi cá Bỗng. Không biết từ bao giờ, cá Bỗng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và ẩm thực của người dân nơi đây. Cá Bỗng trước đây được người dân địa phương nuôi thả chủ yếu để làm cảnh hay đãi khách quý đến nhà chơi và làm cỗ cúng tổ tiên. Nhưng tiếng lành đồn xa, với vẻ ngoài đẹp, vẩy cá óng ánh nhiều màu sắc, thịt cá chắc, thơm ngon, không tanh, lại chế biến được rất nhiều món hấp dẫn như Gỏi, hấp, nướng, chiên…nên được nhiều thực khách ưa chuộng. Nhờ đó, nhiều người dân trên địa bàn xã đã đầu tư, phát triển nghề nuôi cá Bỗng thành hàng hóa. Ông Vi Đức Thuật – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên cho biết: “Nhu cầu trên thị trường đối với cá Bống ngày càng tăng cao, do đó, để có thể hỗ trợ người dân có hướng phát triển kinh tế ổn định và bền vững, xã Việt Lâm đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các nhóm sở thích nuôi cá Bỗng để bà con cùng trao đổi kinh nghiệm, cách chăm sóc và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đặc biệt, gần đây Nhà nước đã cấp chứng nhận địa lý cho con cá bỗng này của Vị Xuyên trong đó có xã Việt Lâm. Chúng tôi cho rằng đó là một lợi thế lớn để chúng tôi phát triển con cá Bỗng này. Trên cơ sở lợi thế sẵn có, xã chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, nhân giống, tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo cung ứng ra thị trường giúp người dân tăng thu nhập, tạo thương hiệu cá Bỗng đặc sản của xã.”

 

Trung tâm thủy sản tỉnh Hà Giang đã nhân giống thành công giống cá Bỗng bản địa.

Đến nay, cá bỗng Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00105. Trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 10 xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý gồm: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần, Minh Tân, Phú Linh, Phương Tiến, Thanh Thủy, Cao Bồ, Thượng Sơn, Thuận Hòa. Việc được cấp chỉ dẫn địa lý đã mở ra cơ hội giúp nghề nuôi cá Bỗng đặc sản tại các địa phương được phát triển ổn định. Tại một số xã như: Thanh Thủy, Phương Tiến, Thuận Hòa…cá Bỗng đã được người dân nuôi kết hợp với phát triển du lịch sinh thái cùng dịch vụ lưu trú Homestay để phát triển kinh tế. Ông Lê Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đối với mô hình nuôi cá bỗng kết hợp dịch vụ du lịch, lưu trú, tôi cho rằng rất tốt, ngoài mang lại nguồn thu nhập cho người dân còn có thể thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ những hộ đã và đang có nhu cầu nhân rộng mô hình nuôi cá bỗng này, chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với Trung tâm Thủy sản tỉnh nhân giống để mở rộng diện tích nuôi, tin tưởng rằng khi đã được cấp chỉ dẫn địa lý, cá Bỗng thời gian tới sẽ trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Vị Xuyên.”

    Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Cá Bỗng là sản xuất con giống, do cá Bỗng nuôi từ 10 năm mới có thể sinh sản, tỷ lệ sống thấp từ 30-40%. Do đó, để bảo tồn và phát triển nguồn Gen giống cá Bỗng bản địa, theo đề án tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh Hà Giang từ năm 2018, Trung tâm thủy sản tỉnh đã có kế hoạch và triển khai hỗ trợ các địa phương chuyển giao KHKT và hỗ trợ nhân giống cá bỗng cho các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê, Quang Bình. Mỗi năm Trung tâm xuất ra thị trường khoảng 10-15 vạn cá Bỗng giống, mỗi con giống có giá từ 15-20 nghìn đồng. Ông Nguyễn Anh Tú – Phó Giám đốc Trung tâm thủy sản tỉnh Hà Giang cho hay: “Trung tâm Thủy sản đã phối hợp với các huyện có diện tích nuôi thả cá Bỗng lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Vị Xuyên. Phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ gia đình đang nuôi cá Bỗng về kỹ thuật chăm sóc và tự nhân giống cá bỗng con. Đây là chuỗi giá trị để cho bà con nuôi, cùng chương trình chỉ dẫn địa lý của tỉnh Hà Giang. Từ khi triển khai từ năm 2018 đến nay, qua kiểm tra, đánh giá hàng năm, chúng tôi nhận thấy các địa phương đã thực hiện có hiệu quả, trung bình tự nhân giống được 3 - 4 vạn cá bỗng giống/năm.”

Mâm cơm tiếp đãi khách của bà con người Tày, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy với cá Bỗng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, đẹp mắt.

 Phát huy thế mạnh với các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu đang là hướng đi thích hợp, nhất là ở miền núi để tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh và nâng cao giá trị. Cá bỗng ở Vị Xuyên, từ những mô hình nuôi truyền thống của người Tày, hoàn toàn có thể mở rộng diện tích, quy mô, để phát triển theo hướng hàng hóa. Hy vọng rằng, huyện Vị Xuyên sẽ tiếp tục có thêm nhiều chính sách phù hợp để khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư và phát triển nuôi cá Bỗng có quy mô, tạo thành đặc sản tiêu biểu của địa phương, giúp thu hút du khách, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, dịch vụ du lịch phát triển./.

Quỳnh Anh - Mai Anh

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập