Kinh tế

Chăn nuôi hàng hóa - Hướng phát triển kinh tế bền vững ở Vị Xuyên

28/12/2016 00:00 103 lượt xem

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế hội nhập, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ dần trở nên lạc hậu, lỗi thời, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của thị trường. Trước thực tế đó, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi, huyện Vị Xuyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô. Nhờ hướng đi đúng đắn mà ngày càng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

     Gia đình bác Nguyễn Văn Hoán - Tổ 1, thôn Việt Thành, xã Việt Lâm là hộ dân tiêu biểu của huyện, xã trong việc chuyển đổi thành công từ mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang chăn nuôi gà theo hướng an toàn, hàng hóa, vừa không tốn nhiều diện tích, công việc đơn giản hơn nhưng đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định. Trước kia gia đình bác chăn nuôi theo mô hình kinh tế tổng hợp, tuy nhiên, dù làm việc vất vả, chăm chỉ nhưng hiệu quả kinh tế không khiến bác hài lòng. Chất thải trong chăn nuôi không có chỗ tiêu hủy, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình bác và hàng xóm. Trăn trở, suy nghĩ nhiều đêm để tìm ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình, năm 2014, sau khi con trai bác Hoán ra trường và vào làm tại công ty TNHH một thành viên gà giống DABACO, tỉnh Bắc Ninh. Bác Hoán đã xuống thăm quan và nhận thấy đây là mô hình chăn nuôi mới, khoa học, có hiệu quả kinh tế rất cao. Đầu vào con giống, thức ăn được công ty cung ứng 100%. Gà giống được tiêm phòng, kiểm dịch, xuất xứ rõ ràng; thức ăn là cám sinh học do chính công ty sản xuất từ ngô, đậu tương, cám vê viên. Đặc biệt, diện tích để nuôi gà không cần quá rộng, 300m2 có thể nuôi từ 1500 - 1700 con gà. Hiện tại gia đình bác Hoán đang nuôi trên 4500 con trên diện tích hơn 1000 m2, trung bình 4 tháng suất một lứa, mỗi lứa 1500 con, giá bán buôn giao động từ 90 - 110 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm cũng giúp gia đình bác Hoán thu về từ 400 - 500 triệu đồng. Bác Nguyễn Văn Hoán - Tổ 1, thôn Việt Thành, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên chia sẻ: “ Tôi cũng đã có kinh nghiệm làm kinh tế nông nghiệp được hơn chục năm nay, nhưng trước kia chăn nuôi tổng hợp mỗi cây, mỗi con một ít nên kinh tế không ổn định lại mất nhiều công sức lao động. Từ khi chuyển qua mô hình chăn nuôi gà hàng hóa tôi đã bán hết trâu, lợn, vay thêm tiền ngân hàng để đầu tư mô hình này. Có thể nói đây là mô hình cho hiệu quả rất rõ nét, giống gà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thức ăn đảm bảo, công việc chăm sóc cũng đơn giản, tốn ít nhân công, quan trọng nhất chất thải của gà sau khi xử lý có thể dùng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, cũng giúp tận thu từ việc chăn nuôi gà. Tôi rất phấn khởi và trong thời gian tới tôi muốn kết hợp với những hộ có cùng sở thích chăn nuôi gà để cùng tạo thành vùng chăn nuôi gà hàng hóa quy mô, tạo thương hiệu với sản phẩm gà an toàn, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.”

Trang trại nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt thương phẩm theo công nghệ Hàn Quốc của anh Hoàng Đức Trung, thôn Độc Lập, xã Đạo Đức

     Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của trên toàn huyện Vị Xuyên là hơn 700.000 con. Trong đó, tổng gia súc (trâu, bò, lợn, dê) là hơn 140.000 con, gia cầm trên 560.000 con. Toàn huyện có hơn 10 trang trại chăn nuôi kinh tế tổng hợp quy mô lớn và trên 100 gia trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa đang hoạt động có hiệu quả. Anh Nông Khánh Toàn - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Xuyên cho biết: “ Để có thể phát triển, duy trì ổn định đàn vật nuôi lớn như vậy, phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang quy mô tập trung, hàng hóa. Chú trọng tìm và đưa những giống vật nuôi có chất lượng cao giúp bà con phát triển kinh tế. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, thẩm định nhanh và kịp thời giúp các hộ có nhu cầu vay vốn theo quyết định 209, 47 để mở rộng chăn nuôi hàng hóa. Hỗ trợ lãi xuất cho những HTX chăn nuôi quy mô lớn. Đồng thời, khuyến khích chủ hộ chăn nuôi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, phòng trừ dịch bệnh và đẩy mạnh công tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị lớn giúp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con an tâm đầu tư chăn nuôi, sản xuất.”



Trang trại nuôi hơn 60 con bò thịt của đoàn viên Đỗ Minh Thông, xã Phong Quang

     Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Vị Xuyên trong thời gian qua đã có thể thấy rõ. Đây là hình thức chăn nuôi tiên tiến và cần được nhân rộng. Hy vọng trong thời gian tiếp theo, cấp, ủy chính quyền huyện Vị Xuyên sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu đãi, để hỗ trợ người dân mở rộng quy mô chăn nuôi sản xuất, tạo thành vùng chuyên canh, phát triển kinh tế bền vững, ổn định và góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn tại các địa phương trên địa bàn huyện.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập