Kinh tế

Vị Xuyên học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây Gai xanh AP1 tại tỉnh Thanh Hóa.

12/12/2022 14:39 222 lượt xem

        Trong 3 ngày 7-9/12, Đoàn công tác của huyện Vị Xuyên đã đi học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây Gai xanh AP1 tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Tham gia có lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện cùng lãnh đạo các xã sẽ thực hiện trồng cây Gai xanh trong thời gian tới.

Vị Xuyên học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây Gai xanh AP1 tại tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn công tác huyện Vị Xuyên tham quan diện tích trồng cây Gai xanh Ap1 tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

         Trong mấy năm trở lại đây, huyện Cẩm Thủy đã liên kết với Tập đoàn An Phước trồng cây Gai xanh AP1 để làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may. Đến nay toàn huyện đã trồng được trên 260 ha Gai xanh, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 800 ha. Cây Gai xanh trồng 1 lần sẽ cho thu hoạch trong vòng 10 năm, mỗi năm cho thu hoạch 4 đến 5 lứa, năng suất đạt từ 3 đến 5 tấn vỏ khô/ha/năm, giá bán dao động từ 35.000 đ đến 42.000/1 kg vỏ khô tùy loại, cho thu nhập bình quân từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí. Ông Nguyễn Đình Thảo, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Gia đình ông trồng cây Gai xanh AP 1 được 1,5 ha từ năm 2021, năm 2022 trừ chi phí cho thu về hơn 100 triệu đồng. Mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây đã trồng tại đây. 

Đoàn công tác huyện Vị Xuyên tham quan Khu nghiên cứu và phát triển giống và kỹ thuật cây Gai xanh.

        Để phát huy lợi thế có nhà máy Dệt sợi đóng trên địa bàn, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi đất đang trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây Gai xanh AP1 và xác định là cây trồng chủ lực của địa phương. Riêng xã Cẩm Tân, hiện đã trồng được trên 23 ha và tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới. Ông Trịnh Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho hay: Bước đầu thực hiện cây Gai xanh trên địa bàn xã cũng gặp một số khó khăn, nhưng sau một thời gian thực hiện và cho thu hoạch đã cho thấy hiệu quả rõ rệt so với các loại cây khác. Năm 2023, xã tiếp tục vận động người dân trồng thêm 15 ha cây Gai xanh.

Tham quan người dân thu hoạch cây Gai xanh

         Cây gai xanh AP1 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống Quốc gia vào năm 2018. Cây trưởng thành có chiều cao từ 2m -2,3m, khả năng phát chồi và che phủ nhanh, dễ trồng và dễ chăm sóc. Chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Nông nghiệp An Phước chia sẻ: Trồng và chăm sóc cây Gai anh AP1 rất dễ, chỉ cần làm cỏ 1 đến 2 lần và bón phân là có thể thu hoạch trong vòng 10 năm. Ngoài việc lấy vỏ để dệt sợi vải, có thể tận dụng các sản phẩm phụ khác từ cây gai, lá gai để chăn nuôi và làm phân xanh.

Tham quan người dân tuốt vỏ cây Gai xanh

 

       Ông Nguyễn Tất Toản, đại diện Công ty Phúc Khang Group HKM (Đơn vị liên kết với Tập đoàn An Phước) cho biết: Qua trồng thử nghiệm tại xã Phú Linh cho thấy cây rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Vị Xuyên. Mong nuốn cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên quan tâm, tạo điều kiện để mở rộng diện tích cây Gai xanh. Công ty cam kết sẽ đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định cho người dân.

Học tập thực tế cách phơi vỏ cây Gai xanh của người dân.

       Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây Gai xanh, UBND huyện Vị Xuyên đã phê duyệt Phương án liên kết sản xuất, trồng cây Gai xanh AP1 giai đoạn 2022 – 2023, tầm nhìn đến năm 2030. Bước đầu sẽ triển khai thực hiện trồng 100 ha cây Gai xanh AP1 tại 12 xã có đủ điều kiện để trồng loại cây này. Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Xuyên khẳng định: Huyện Vị Xuyên tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây Gai xanh để triển khai có hiệu quả Phương án trồng cây Gai xanh AP1. Qua thời gian ngắn tham quan thực tế một số hộ dân và Nhà máy Dệt sợi tại huyện Cẩm Thủy, đoàn công tác đã học tập được nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào triển khai thực tế tại địa phương, đảm bảo kế hoạch và mục đích chuyến công tác. Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên cho biết: Ngay sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm và thấy được hiệu quả kinh tế của cây Gai xanh, xã Ngọc Linh sẽ hoàn thiện quy hoạch diện tích trồng cây Gai xanh, đảm bảo liền khu, liền khoảnh. Triển khai tổ chức họp dân và tuyên truyền người dân tham gia, đảm bảo kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đoàn công tác huyện Vị Xuyên tham quan Nhà máy Dệt sợi An Phước (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa)

       Từ kết quả thực tế sau chuyến học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây Gai xanh AP1, trong thời gian tới, huyện Vị Xuyên sẽ tích cực và quyết liệt triển khai các bước để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Với mục đích mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Ngọc Thơ

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập