Kinh tế

Vị Xuyên phát triển nông nghiệp trọng tâm, bền vững

08/02/2023 13:58 166 lượt xem

BHG - Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn lao động và kinh nghiệm canh tác nông nghiệp lâu đời của người dân, huyện Vị Xuyên tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển hiệu quả các phương án, đề án, chương trình nông nghiệp trọng tâm, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững theo chuỗi giá trị.

Vị Xuyên phát triển nông nghiệp trọng tâm, bền vững
Người dân xã Linh Hồ nuôi lợn đen bản địa cho thu nhập cao.

       Gia đình chị Đỗ Minh Thông, xã Thanh Thủy là một trong số những nông dân tiêu biểu của huyện tiên phong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nhận thấy đất đai rộng lớn, khí hậu thuận lợi, năm 2018, gia đình chị đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, trong đó, tập trung chăn nuôi bò, trồng Thanh long ruột đỏ và Bí xanh với quy mô trên 6 ha, liên kết thu mua mía cho bà con để xuất khẩu; doanh thu hàng năm của gia đình đạt trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho gần 10 lao động địa phương.

       HTX Cát Lý, xã Thuận Hòa được thành lập từ tháng 3.2022 với ngành nghề kinh doanh chính là nuôi bò thịt, giết mổ, sơ chế các sản phẩm từ thịt bò. Để phát triển bền vững, bên cạnh phát triển trang trại chăn nuôi bò vỗ béo theo quy trình khép kín với quy mô 200 con, HTX đang liên kết chăn nuôi với các hộ dân theo hình thức đầu tư có thu hồi, vừa giúp đảm bảo đầu ra, vừa gia tăng chất lượng, giúp người dân có thêm thu nhập. Hiện, trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán, giết mổ trên 10 con bò, trọng lượng 350 - 400 kg/con.

       Thực hiện Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị (Nghị quyết số 17), UBND huyện Vị Xuyên ban hành kế hoạch và xác định phát triển 5 loại cây trồng chính theo chuỗi giá trị gồm: Chè Shan tuyết, Thảo quả, quế, nghệ, gừng. Đến nay, tổng diện tích chè Shan tuyết đạt 2.743 ha, tập trung tại các xã: Thượng Sơn, Quảng Ngần, Cao Bồ, Phương Tiến, Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải; năng suất đạt 30,5 tạ/ha; giá trị sản xuất đạt 125.493 triệu đồng; có 10 doanh nghiệp, HTX hiện tham gia sản xuất với sản lượng sơ chế, chế biến trên 8.360 tấn. Cây Thảo quả hiện có tổng diện tích 2.585,5 ha, năng suất đạt 7,1 tạ/ha, sản lượng 1.928,6 tấn, giá trị sản xuất đạt 34.714,8 triệu đồng. Cây gừng được trồng tại xã Ngọc Minh, Đạo Đức, Việt Lâm với năng suất 200 tạ/ha, sản lượng 78 tấn; hiện tại, HTX Dược liệu Sơn Ý đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trong năm 2022, toàn huyện trồng 594,22 ha quế, vùng trồng quế tập trung tại các xã: Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần, Trung Thành, Bạch Ngọc, Việt Lâm; cây quế với chính sách phù hợp và thị trường tiêu thụ lớn đang hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển mới cho nông nghiệp Vị Xuyên. Bên cạnh đó, dựa vào thế mạnh và thực tiễn địa phương, tất cả các xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17, trong đó phát triển được 14 loại cây trồng đặc trưng như: Rau các loại, cỏ ngọt, lúa chất lượng cao, lạc, cam Sành, nhãn, Thanh long, Ba kích, Sa nhân, na, Khôi nhung, Bí xanh, Dưa lưới, Bí đỏ, chăn nuôi bò thương phẩm, vịt Bầu, ốc Nhồi, dê. Huyện Vị Xuyên cũng đang triển khai nhiều phương án nông nghiệp hiệu quả khác như: Phương án trồng cây Khôi nhung; hỗ trợ hộ trung bình cải tạo vườn tạp; phát triển chăn nuôi 10 xã trọng điểm; sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; trồng mía xuất khẩu; trồng cây dược liệu dưới tán rừng; triển khai các tiểu dự án hỗ trợ sản xuất đa dạng hoá sinh kế cộng đồng thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; mô hình chăn nuôi hươu sinh sản và lấy nhung; chăn nuôi lợn rừng; chăn nuôi gà địa phương thả đồi; liên kết chăn nuôi bò thịt; liên kết phát triển cây Gai xanh.

        Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện đạt trên 18 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực đạt 58.480 tấn; năng suất lúa bình quân đạt 58,39 tạ/ha; năng suất ngô bình quân đạt 38,95 tạ/ha. Tổng đàn trâu, bò đạt trên 26.300 con, đàn lợn 117.930 con, đàn gia cầm 816.245 con; tổng diện tích rừng trồng đạt trên 1 nghìn ha; có 216 hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp với tổng vốn vay 6.470 triệu đồng, diện tích cải tạo 91.753 m2. Toàn huyện có 72 HTX nông nghiệp, 71 tổ hợp tác, 110 nhóm sở thích, 1 làng nghề hoạt động hiệu quả.

       Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Hoàng Thanh Tịnh nhấn mạnh: “Việc triển khai các phương án, đề án, chương trình nông nghiệp trọng tâm dựa trên điều kiện và thế mạnh từng địa phương. Huyện đã tổ chức đánh giá cụ thể hiệu quả từng phương án, mô hình về khả năng nhân rộng, giá trị kinh tế mang lại cho người dân, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, quy hoạch vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp, HTX và tích cực xúc tiến, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Năm 2023, mỗi xã, thị trấn chọn 1 chương trình nông nghiệp trọng tâm để làm khâu đột phá với kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân”.

      Năm nay, với mục tiêu nâng giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 72 triệu đồng; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp chiếm 43%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,7%... Huyện Vị Xuyên tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất “5 cùng”; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường sản xuất vụ Đông để nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị sản phẩm/diện tích canh tác; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thu hút đầu tư; liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến lâm sản để phát triển rừng bền vững.

Báo Hà Giang

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập